Đó là chủ đề của cuộc Hội thảo quốc tế “Các tương lai của giáo dục” do Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội tổ chức sáng 23-3 tại Hà Nội
Trước khi đi vào phần thảo luận nhóm để trả lời hai câu hỏi trên như một bài tập thực hành dành cho gần 100 đại biểu tham dự, TS Michael Jackson - Chủ tịch tập đoàn Shaping Tomorrow, người được mệnh danh là ông chủ của 12.000 nhà tương lai học – đã có bài diễn thuyết hấp dẫn về Tương lai học và Các tương lai của giáo dục.
Thế giới ngày nay có nhiều biến đổi và tốc độ biến đổi ngày càng tăng. 3 sự kiện làm nên sự thay đổi thế giới là toàn cầu hoá, công nghệ và các sản phẩm sạch. Những sự kiện đó làm cho con người liên kết với nhau hơn và kèm theo đó là tự do cá nhân cũng cao hơn. Nhìn lại quá khứ, xem xét hiện tại và dự đoán tương lai với những xu thế thay đổi sẽ giúp cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đưa ra được những quyết định sáng suốt hơn để kiểm soát rủi ro và tăng cường lợi thế cạnh tranh.
Trong lĩnh vực giáo dục cũng có những thay đổi mà quan trọng nhất là quá trình tiếp nhận kiến thức. Kiến thức sản sinh một cách nhanh chóng theo cấp số mũ, cho dù nền tảng sinh ra kiến thức thì không thay đổi. Chính sự tăng tốc của kiến thức dẫn đến sự chuyên môn hoá hầu hết các nghề nghiệp.
Đến năm 2020 hoặc sớm hơn nữa, kiến thức sẽ chỉ mang tính tức thời (tạm thời), do vậy, nhiều kiến thức sẽ không được dùng, có sự tích hợp kết nối kiến thức và kiến thức phải được bổ sung thường xuyên, kịp thời. Xã hội với thế lực công nghệ ngày càng mạnh đang làm thay đổi hình thức học truyền thống từ trước đến nay, tạo nên cả cơ hội và thách thức cho nhà trường (cả người dạy và người học). Ngoài ra là những sự tác động khác của kinh tế, chính trị, môi trường, nhân chủng học, công việc.
Nhận thức được những điều này để có được một tư duy chiến lược cho giáo dục, và tư duy ấy không chỉ dành riêng cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo một tổ chức, mà còn cần cho mọi cá thể trong một xã hội toàn cầu hoá và biến đổi nhanh chóng. Các nhà tương lai học giáo dục cho rằng giáo dục có nhiều tương lai khác nhau, tuy nhiên, các tuơng lai của giáo dục đến năm 2025 có vẻ như không được nhận biết ở tất cả các nước. Có những tương lai có thể đến và có những tương lai sẽ phải đến ở tất cả các cấp độ cá nhân, địa phương và toàn cầu.
Trả lời câu hỏi tương lai của GD Việt Nam ra sao và chúng ta phải làm gì với nó, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau: hình thức học online phát triển, phương pháp dạy học mới mà GV đồng hành với HS để chỉ dẫn họ và học từ họ chứ không chỉ dạy, GD tăng cường cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thách thức của GD bản sắc truyền thống trong thời hội nhập toàn cầu hoá. Và có một ý kiến, theo TS Michael Jackson, là thể hiện tầm nhìn tốt, đó là: Mọi người đều là GV (và ở phương diện khác họ cũng là người học). Đó là chìa khoá dẫn tới thành công, một xã hội học tập mà chúng ta đang xây dựng.
TS Michael Jackson cũng nhấn mạnh: Nếu tăng cường tối đa các cơ hội dự báo giáo dục thì Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng vị trí của mình trong thế giới ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, kỹ thuật và xã hội. Có được các năng lực dự báo chiến lược chọư phát triển của giáo dục Việt Nam là vô cùng quan trọng tạo ra những thay đổi mà chúng ta chờ đợi trong vòng 25 năm tới.
Được biết, 2 hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tiếp theo tại Huế và TP Hồ Chí Minh, cũng nhằm trả lời hai câu hỏi: Tương lai của giáo dục Việt Nam sẽ như thế nào? Chúng ta nên làm gì với nó?
Theo GD&TĐ Online