Cập nhật: 08/04/2010 16:08:32 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết thành 500 tiết, đồng thời chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh thời lượng dạy tiếng Việt. Đó là một trong những biện pháp của ngành GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số cấp tiểu học.

Nếu trong điều kiện không thể tổ chức dạy tăng buổi trong tuần hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường có thể điều chỉnh nội dung, thời lượng các môn học khác để tập trung vào dạy tiếng Việt cho học sinh.

 

Đối với việc dạy học tiếng Việt, dựa trên điều kiện thực tế, các địa phương đăng ký số lượng học sinh cụ thể với Bộ GD&ĐT để Bộ chủ động về kế hoạch tập huấn giáo viên và phân phối tài liệu học tập cho học sinh trong năm học tới. Các sở GD&ĐT chủ động tìm nguồn kinh phí, huy động nguồn lực, tìm giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

 

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương có HS dân tộc thiểu số cần xác định rõ việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch của từng năm học và trong kế hoạch nhiều năm của địa phương. Công việc này cần phải được tiến hành đồng bộ với các công việc khác như: tổ chức cho trẻ mầm non ra lớp làm quen với tiếng Việt; tổ chức mô hình nội trú dân nuôi; dạy học lớp ghép; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho giáo viên vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Trong thời gian qua, bên cạnh các Sở GD&ĐT tích cực, chủ động chỉ đạo nhiều giải pháp sáng tạo để dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số vẫn còn một số Sở chưa quan tâm chủ động, sáng tạo chỉ đạo công việc này hoặc có chỉ đạo nhưng không cụ thể, sát sao, hiệu quả.

 

 

Theo GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm