Cập nhật: 15/04/2010 15:51:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ năm học, học phí các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường ngoài công lập lại đồng loạt tăng. Theo thông báo của các trường, năm học 2010-2011, mức học phí ở bậc học đại học ngoài công lập thấp nhất là 500 nghìn đồng/tháng và cao nhất là 15 triệu đồng/tháng (gấp khoảng 62,5 lần so với mức chung 240 nghìn đồng mà các trường công lập công bố).

So với năm 2009, đến nay nhiều trường đều có chủ trương tăng học phí. Trường đại học quốc tế RMIT Việt Nam có mức học phí cao ngất ngưởng với khoảng 15 triệu đồng/tháng tùy theo ngành học. Trường đại học Quốc tế Sài Gòn với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cũng từ 96,2 triệu đến 105,450 triệu đồng/năm. Ðại học FPT mức học phí 20,327 triệu đồng/kỳ. Có những trường mức học phí khá cao nhưng vẫn lo bị "hớ" cho nên chỉ công bố "lập lờ" theo hình thức học phí "dự kiến", học phí "khoảng" hay học phí sẽ "thay đổi" theo từng ngành học như: Trường đại học dân lập Hải Phòng, Ðại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, Ðại học Hoa Sen...

 

Có rất nhiều lý do được các trường đưa ra để tăng học phí như: Chương trình liên kết với nước ngoài, cơ sở vật chất hiện đại, sự biến động về giá cả trong thời gian qua... nhưng thực tế là chạy đua học phí vì đánh vào tâm lý "tiền cao chất lượng sẽ cao". Tuy nhiên, có thật các trường chạy đua tăng học phí đều đúng với tiêu chí "tiền nào của nấy". Thực tế cho thấy, nhiều trường tăng học phí từ năm 2008 cũng với lý do rất "hợp tình, hợp lý" như "tăng vì phải đầu tư cho cơ sở vật chất", nhưng đến nay cơ sở vật chất vẫn y như cũ, trường lớp chủ yếu là thuê mướn, giảng viên thì thiếu triền miên. Năm 2009, một số trường đại học tuy đã công bố công khai mức học phí nhưng lại cao hơn khoảng 30% - 40% vì phải thêm các khoản phí câu lạc bộ, đồng phục, cặp táp... do nhà trường quy định. Học phí các trường thì "ngất ngưởng" nhưng đánh giá chất lượng đào tạo, Nghị quyết của Ban cán sự Ðảng Bộ GD và ÐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 lại khẳng định: "Các trường chưa xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo; chưa xây dựng và ban hành đầy đủ chương trình khung giáo dục đại học trình độ đại học, cao đẳng; chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng chậm được nâng cao; phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá chậm được đổi mới; thư viện các trường còn nghèo, giáo trình, tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ thời gian thực hành còn ít...". Một giải pháp được ngành GD và ÐT đưa ra là các trường cần thực hiện "ba công khai" gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính (trong đó phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học). Bộ GD và ÐT cũng khẳng định sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh trường nào không thực hiện "ba công khai". Tuy nhiên, đến đầu tháng 3-2010, việc thực hiện "ba công khai" ở nhiều trường vẫn quá sơ sài. Chỉ có 192 trường (51%) có báo cáo về chuẩn đầu ra, trong đó có 69 trường có báo cáo đầy đủ về chuẩn này. Riêng phần công khai thu chi tài chính mới có 202 trường ÐH, CÐ gửi báo cáo, còn 175 trường chưa công khai đầy đủ về thu chi tài chính, trong đó có liên quan đến học phí...

 

Tăng học phí là cần thiết nếu thật sự đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên, có hiện tượng các trường đua nhau tăng học phí chủ yếu để tăng nguồn thu, không nâng cao chất lượng đào tạo. Thiết nghĩ, Bộ GD và ÐT cần xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng đào tạo; kiểm tra và xử lý kiên quyết việc thực hiện các cam kết của các trường đại học, cao đẳng trong đề án thành lập trường về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình giáo trình. Ðáng chú ý, cần kiên quyết thực hiện "ba công khai" gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và trách nhiệm xử lý của các cơ quan chức năng của Bộ. Cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh những trường cố tình không thực hiện hoặc thực hiện "ba công khai" một cách "chống chế". Cần đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở đào tạo trước khi mở ngành ba tháng, ba năm, sau đó mỗi năm kiểm tra lại một lần.

 

 

 

Theo Báo Nhandan Online

Tệp đính kèm