Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được mang theo Atlat Địa lí Việt Nam (đối với môn thi Địa lí) vào phòng thi với yêu cầu tài liệu này phải do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Atlat địa lý Việt Nam một mặt giúp học sinh nhớ lại kiến thức đã học trong sách giáo khoa, để làm bài kiểm tra, mặc khác, cũng giúp học sinh biết khai thác trực tiếp kiến thức từ bản đồ, bổ sung và cập nhật kiến thức nhằm phân tích sâu hơn, tổng hợp tốt hơn.
Nếu biết khai thác, sử dụng hiệu quả tài liệu này, đây có thể coi là một “cứu cánh” đối với các thí sinh khi bước vào phòng thi môn Địa lý.
Để sử dụng atlat trong học và làm bài địa lý cần phải đọc kĩ đề xem đề thi yêu cầu những gì? Để đáp ứng yêu cầu của đề thì cần phải sử dụng những bản đồ nào? Bản đồ ấy nằm ở đâu? Nắm vững bảng ký hiệu nằm ở trang bìa. Tìm đến bản đồ cần sử dụng (tên bản đồ), rất nhiều học sinh đã bỏ qua việc làm này, trong khi ở một trang bản đồ đôi khi có nhiều bản đồ với nhiều nội dung khác nhau, một nội dung nhưng nó lại có ở nhiều trang, nhiều bản đồ khác nhau. (Về cơ bản các nội dung về nguồn lực nằm ở nửa đầu, các nội dung về các ngành, các vùng nằm ở các trang sau). Xem trong bản chú thích: các nội dung mình cần tìm được kí hiệu như thế nào? Có những nội dung nào được thể hiện trên bản đồ đó? (Các màu sắc, các biểu đồ trên bản đồ, các kí hiệu... nó có ý nghĩa gì trên bản đồ đó?). Phân tích, tổng hợp, so sánh và rút ra nhận xét kết luận theo yêu cầu của đề thi – đây là việc làm khó nhất, đôi khi phải sử dụng nhiều bản đồ mới đưa ra được 1 kết luận, một nhận xét cần thiết.
Các giáo viên dạy Địa lý cho rằng, muốn đọc và phân tích Atlat tốt cần phải nắm được phương pháp thể hiện bản đồ sử dụng trong Atlat; nắm được các ký hiệu trong chú giải của bản đồ; nắm được mục đích yêu cầu khi đọc để tìm kiếm và rút ra các thông tin cần thiết, nhanh; biết huy động kết hợp các kiến thức đã học trong sách giáo khoa hay tài liệu vào việc cắt nghĩa sự phát triển và phân bố của các hiện tượng địa lý cần tìm hiểu qua Atlat hoặc biết tìm ra mối liên hệ giữa các trang Atlat để khai thác một cách có hiệu quả nhất; biết đọc Atlat theo trình tự khoa học (Nắm được vấn đề chung nhất của trang Atlat; tìm ra các nội dung chủ yếu của trang; tìm ra mối liên hệ các trang Atlat để khai thác nội dung chủ yếu trên; phân tích và giải thích được nội dung chủ yếu trang Atlat; rút ra được các nhận xét chung...).
Khi phân tích một vấn đề kinh tế-xã hội của một ngành hay một vùng trên cơ sở đọc và phân tích Atlat, trước hết phải căn cứ vào các kiến thức đã học trong sách giáo khoa về vấn đề liên quan để định hướng phân tích Atlat và biết chọn ra những bản đồ chính và những bản đồ bổ sung.
Trước hết, phải biết phân tích vị trí địa lý. Vị trí địa lý toán học thể hiện ở tọa độ địa lý của đối tượng địa lý trong không gian: kinh độ và vĩ độ. Đối với một số vùng cũng như nước ta nói chung, vị trí này có thể xác định bằng các điểm cực Bắc, cực Nam, cực Đông, cực Tây. Đối với vị trí theo điểm, ví dụ như thành phố, một trạm khí hậu thì bên cạnh kinh, vĩ độ cần xác định cả độ cao. Vị trí địa lý tự nhiên thể hiện ở quan hệ không gian giữa các đối tượng địa lý tự nhiên. Cần chú ý điều này nhất là khi phân tích ảnh hưởng địa hình đối với sự phân hóa khí hậu. Mặc khác, phải chú ý phân tích sâu vị trí địa lý kinh tế.
Sau đó, để phân tích các nguồn lực phát triển (tài nguyên thiên nhiên, dân cư và nguồn lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật) cần sử dụng bản đồ tương ứng về địa hình, địa chất-khoáng sản, đất, thực và động vật, dân cư và dân tộc và các bản đồ về ngành kinh tế. Chú ý quan hệ không gian giữa các yếu tố đọc được từ từ bản đồ riêng lẻ (ta thường gọi là chồng xếp bản đồ).
Cuối cùng, các bản đồ kinh tế tương ứng sẽ cho biết hiện trạng phân bố của ngành kinh tế (toàn ngành hay trong vùng nói riêng). Còn các biểu đồ có thể cho biết về cơ cấu hay động thái phát triển của toàn ngành...
Theo GD&TĐ Online