Cập nhật: 01/08/2010 10:44:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là lưu ý của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đối với GD phổ thông và GD thường xuyên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên năm học 2010 – 2011 diễn ra tại Hà Nội trong ngày 30/7.

Hội nghị có sự tham dự lãnh đạo Công đoàn GD VN, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo  Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo phòng GD phổ thông, GD thường xuyên,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Những con số minh chứng cho chất lượng thực

 

Đánh giá cho thấy, đối với GD trung học, trong năm học vừa qua các Sở GDĐT đã tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục dạy học chủ yếu theo lối “đọc-chép“; đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học và phòng học bộ môn, làm và sử dụng thiết bị dạy học tự làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh trung học đều tăng so với năm trước: Cấp THCS: Hạnh kiểm tốt đạt 70% (tăng so với năm trước 3,1%), loại yếu 0,31% (giảm 0,05%); học lực giỏi đạt 15,1% (tăng 1,4%), học lực khá đạt 33,6% (tăng 1,7%), học lực yếu 8,6% (giảm 1,5%), học lực kém 0,52% (giảm 0,08%).

 

Ở cấp THPT: Hạnh kiểm tốt đạt 64,1% (tăng so với năm trước 5,7%), loại yếu 1,1% (giảm 0,01%); học lực giỏi đạt 5,15% (tăng 0,25%), học lực khá đạt 32,1% (tăng 2,7%), học lực yếu 14,0% (giảm 1%), học lực kém 0,8% (giảm 0,1%).

 

Một điều đáng lưu ý trong năm học vừa qua của GD trung học là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên đến năm 2020. Kết quả GD chất lượng cao trong n ăm rất đáng tự hào với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2010 đã chọn được 82 giải nhất, 442 giải nhì, 945 giải ba, 708 giải khuyến khích.

 

Đối với các đội tuyển dự Olympic quốc tế năm 2010 có 23 học sinh tham gia ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học. Kết quả đã có 6 học sinh tham dự kì thi Olympic Toán đạt 01 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng; 4 học sinh tham dự môn Sinh đạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương đồng; 5 học sinh tham dự môn Vật lý đạt 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.

 

Nhiệm vụ đặt ra đối với GD trung học trong năm học tới được tập trung vào các trọng tâm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD; phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp; xây dựng CSVC trường học, thiết bị dạy học, chú trọng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; phát triển hệ thống trường THPT chuyên; thực hiện phổ cập GD; tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD.

 

Đối  với  GDTX, trong năm học 2009-2010, có gần 14 triệu lượt người học các chuyên đề. Đặc biệt, chất lượng học đã có những chuyển biến tích cực với tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp đạt 66,71%.

 

Tiếp tục thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" và Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, trong năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức giáo dục toàn cầu tổ chức Sự kiện quốc gia hưởng ứng Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người năm 2010 với chủ đề “Tất cả vì một mục tiêu giáo dục cho mọi người” và khẩu hiệu “Tăng cường đầu tư cho giáo dục”.

 

Nhiệm vụ đặt ra trong năm học 2010 – 2011 đối với GDTX không nằm ngoài việc khắc phục các hạn chế, yếu kém cản trở sự phát triển của hệ thống, tập trung vào một số vấn đề như: tăng cường xây dựng hệ thống văn bản QPPL; thực hiện đổi mới nội dung chương trình; làm thay đổi nhận thức đầy đủ về GDTX trong các cấp lãnh đạo, nhất là ở các địa phương, để có được cách nhìn nhận đúng đắn và sự đầu tư hợp lý cho ngành học; nâng cao sự chủ động của các trung tâm GDTX, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là xây dựng cơ chế cán bộ chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát ở tất cả các cấp quản lý GD...

 

Sẽ sớm có “ma trận đề thi” cho các môn học ở mỗi kỳ thi

 

Các ý kiến tham luận trình bày tại Hội nghị đều tập trung vào trình bày các giải pháp, nêu các sáng kiến kinh nghiệm, các đề xuất để GD trung học cũng như GDTX ngày càng phát triển hơn.

 

Trong đó, những nội dung được tập trung nhiều nhất gồm: công tác thi và chấm thi; đổi mới phương pháp dạy và học; phát triển hệ thống trường chuyên; tăng cường đầu tư cho GDTX, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ chế cho cán bộ chuyên trách của GDTX...

 

 Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý nhiệm vụ lớn nhất phải tập trung là đảm bảo chất lượng thực với kết quả thực ở tất cả các cấp học, ngành học.

 

“Chất lượng dạy và học không tốt thì không thể có kết quả thi tốt. Kết quả thi là phải đánh giá sát thực chất lượng GD. Nếu chất lượng GD không tốt thật mà kết quả thi lại cao thì nhất định thi sẽ không thể có sự nghiêm túc trong đó”, Thứ trưởng thẳng thắn nói.

 

Đối với công tác ra đề thi vốn được đề cập tại nhiều ý kiến tham luận, Thứ trưởng  Nguyễn Vinh Hiển cho biết từ năm học tới, chủ trương của Bộ trong việc ra đề thi phải hướng tới việc kiểm tra sự vận dụng được tính sáng tạo của học sinh.

 

 

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học cho biết định hướng một đề thi, nhất là đề thi học kỳ, phải bảo đảm ít nhất 2 yếu tố: thứ nhất, phải bao quát được chương trình của cả một học kỳ; thứ hai, phải dành được 50% thời gian HS để làm bài theo yêu cầu thông hiểu, sáng tạo và vận dụng. Bắt đầu từ năm này, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai xây dựng những ma trận đề thi nhằm giúp giáo viên dựa vào ma trận ấy ra đề thi với những nội dung và yêu cầu sát thực với chương trình khung bên cạnh việc vẫn phát huy được tính sáng tạo, khả năng vận dụng của HS.

 

Được biết nhiệm vụ xây dựng ma trận đề thi sẽ được Bộ GD&ĐT giao cho Vụ GDTrH, Vụ GDTX, Viện KHGD, Cục Khảo thí kiểm định chất lượng GD phối hợp thực hiện trên cơ sở có sự hỗ trợ của các Dự án, để ngay từ năm học tới mỗi môn học sẽ có một ma trận đề thi trong từng học kỳ.

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm