Cập nhật: 14/08/2010 09:52:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Còn chưa đầy nửa tháng nữa, tiếng trống trường sẽ vang lên, báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Các địa phương trên khắp cả nước đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho năm học mới “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Sáng 12/8, hơn 160 nghìn học sinh các cấp học phổ thông toàn tỉnh Lào Cai đã tựu trường, bắt đầu năm học mới 2010 – 2011 theo đúng kế hoạch (riêng khối bổ túc THCS và bổ túc THPT sẽ tựu trường vào ngày 27/8 tới đây).

 

Trong 2 ngày 12 và 13/8, các nhà trường tập trung sắp xếp ổn định lớp học, phổ biến quy chế lớp học, đặc biệt là những lớp đầu cấp, và hoàn thành nốt những công việc phục vụ năm học mới. Bắt đầu từ thứ 2, ngày 16/8, các trường sẽ đi vào giảng dạy theo chương trình.

 

Năm học 2010 – 2011, tỉnh Lào Cai có 27 trường THPT, 196 trường THCS, 239 trường tiểu học và 192 trường mầm non với hơn 162 nghìn học sinh (mầm non: 37.311 học sinh; tiểu học: 62.000 học sinh; THCS: 46.325 học sinh; THPT: 17.000 học sinh) và 13.941 giáo viên các cấp học. Tất cả các cấp học sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 5/9 (trừ một số trường khai giảng điểm).

 

Ngay trong những ngày đầu tháng 7, ngành GD&ĐT thị xã Hà Giang đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên dọn vệ sinh trường lớp; kiểm tra, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy; sửa chữa lại các phòng học xuống cấp và chỉnh trang lại khuôn viên trường... Chuẩn bị cho năm học 2010 –2011, thị xã đã tiến hành sửa chữa 20 trường, trong đó sửa chữa, nâng cấp 14 nhà lớp học với 112 phòng học.

 

Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục công tác vận động học sinh đến lớp, duy trì chế độ đối với học sinh nội trú dân nuôi, đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các lớp bổ túc ngay tại các điểm thôn, bản xa, tạo điều kiện cho các em đến trường.

 

Bước vào năm học mới 2010 – 2011, toàn tỉnh Lai Châu sẽ có trên 100.000 học sinh, tăng khoảng 10% số học sinh so với năm học trước. Chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã và đang tập trung giải quyết các khó khăn, như cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học còn thiếu nhiều. Một trong những thách thức của ngành giáo dục tỉnh nhà là khó khăn của cấp học mầm non. Hiện nay, toàn tỉnh mới có hơn 350 phòng học kiên cố trong tổng số hơn 1.400 phòng học. Số phòng học còn lại là học dưới gầm sàn, phòng học tạm, bán kiên cố, phòng học nhờ; trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy và học ở nhiều đơn vị còn thiếu trầm trọng...

 

Nhằm từng bước giải quyết khó khăn, ngành giáo dục Lai Châu chỉ đạo Công ty TNHH Sách - Thiết bị trường học chuyển toàn bộ thiết bị, sách giáo khoa, vở viết... đến các điểm trường từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2010; rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất trường, lớp cần sửa chữa, đã được UBND tỉnh duyệt cấp kinh phí. Đặc biệt, trong năm học mới này, ngành giáo dục Lai Châu sẽ rà soát, triển khai đào tạo và đào tạo lại số cán bộ, giáo viên đã tuyển dụng từ những năm trước, cuối tháng 8 này sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên, không xét tuyển như các năm trước đây...

 

Chuẩn bị cho năm học mới, Thái Nguyên đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện Định Hóa, Võ Nhai và chuẩn bị khởi công thêm 3 trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương. Ngành giáo dục tỉnh cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện chủ đề năm học mới, đó là: tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

 

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định trích ngân sách số tiền hơn 643 triệu đồng để đầu tư xây dựng 45 phòng học, 25 nhà vệ sinh của 25 xã, thuộc 3 huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc và Như Xuân, giao cho Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan có trách nhiệm giải ngân 100% số vốn trên trước ngày 25/8/2010. Đây là chương trình phân bổ kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình thuộc Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn năm 2010. Dự án sẽ góp phần nâng cao và dần hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục vùng khó khăn; nhằm thực hiện mục tiêu tất cả trẻ em trong độ tuổi tiểu học đều được đến trường.

 

Năm nhiệm vụ và giải pháp cũng được ngành GD&ĐT Nghệ An đặt ra trong năm học mới 2010-2011. Đó là, đổi mới quản lý giáo dục trên cơ sở tiếp tục thực hiện phân cấp và phối hợp quản lý hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn, hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo, tích cực chỉ đạo việc chuyển đổi loại hình trường.

 

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục bằng cách đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tăng cường ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy và học, triển khai kế hoạch dạy và học ngoại ngữ; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục...

 

Ngày 12/8, Sở GD&ĐT Bình Dương đã tổng kết năm học 2009-2010, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2010-2011. Theo đó, chủ đề của năm học mới được ngành GD&ĐT đưa ra là “tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” cùng phương châm “Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật” và khẩu hiệu hành động là “tận tâm, tận tụy, tận lực, tất cả vì học sinh thân yêu”.

 

Trên cơ sở đó, ngành đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục ở các cấp học, bậc học; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, công tác khảo thí và thanh tra...

 

Đến nay, hầu hết các trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều đã cơ bản hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho năm học mới. Để thực hiện chủ đề năm học, ngành giáo dục TP.Cần Thơ cũng đã triển khai chủ điểm “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục” cho cán bộ, giáo viên thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị hè, tập huấn chuyên môn. Sở GD&ĐT cũng nghiêm cấm các trường lạm thu và cho biết sẽ tăng cường kiểm tra ngay khi năm học mới bắt đầu.

 

Cần Thơ đang xây dựng và áp dụng mức học phí mới trong năm học 2010-2011. So với mức học phí cũ, mức học phí mới dự kiến tăng: Nhà trẻ mẫu giáo từ 7-15.000 đồng/ học sinh/ tháng lên từ 40.000-130.000 đồng/ học sinh/ tháng; THCS từ 6-10.000 đồng/ học sinh/ tháng lên từ 20.000-40.000 đồng/ học sinh/ tháng; THPT từ 12.000-20.000 đồng/ học sinh/ tháng tăng lên 30.000-50.000 đồng/ học sinh/ tháng; Bổ túc THCS, THPT từ 30.000-40.000 đồng/ học sinh/ tháng tăng lên 40.000-60.000 đồng/ học sinh/ tháng... Mức học phí cụ thể còn tùy thuộc vào địa bàn dân cư và loại hình trường. Ngành giáo dục thành phố cũng đã có dự phòng giải pháp đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học.

 

Nhiệm vụ năm học 2010-2011 đã được ngành giáo dục tỉnh Cà Mau triển khai đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua. Đến đầu năm học này toàn tỉnh đã có 30 trường THPT, tất cả các huyện, thành phố có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên. THCS thì có 106 trường, tiểu học có 262 trường. Riêng bậc học mầm non thì cuối năm học vừa qua có 99 trường, vẫn còn 21 xã chưa có trường. Hiện nay tỉnh đã ghi vốn  20 tỷ đồng để xúc tiến xây dựng trường mầm non cho các xã chưa có trường, tuy nhiên không đáp ứng kịp cho đầu năm học này.

 

Năm học này, ngành GD&ĐT Cà Mau chủ trương ưu tiên huy động trẻ 5 tuổi vào học trường mầm non. Đối với các địa bàn chưa có trường sẽ mở lớp tạm trong các trường tiểu học. Đó là giải pháp tạm thời, trong năm học sau, tỉnh cho biết sẽ cố gắng để tất cả các xã, phường đều có trường mầm non.

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm