Cập nhật: 22/08/2010 10:24:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ năm học này, các địa phương sẽ thực hiện mức thu học phí mới và nhiều dự án quan trọng sẽ được khởi động như: phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đề án dạy ngoại ngữ…

Học phí mới, có chấm dứt nạn lạm thu?

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các địa phương sẽ thực hiện mức thu học phí mới theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt từ năm học này. Đến thời điểm này, còn khoảng 40 tỉnh, thành vẫn thực hiện thu theo mức học phí cũ, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, Sở đã công bố các khoản thu học phí, cơ sở vật chất sẽ áp dụng trong năm học mới cho các trường. Ngoài tiền học phí, Sở GD-ĐT TP HCM cũng công bố khoản thu cơ sở vật chất hằng tháng, các cấp học đều có chung mức thu 20.000 - 30.000 đồng. Đồng thời, sẽ miễn giảm học phí đối với các học sinh thuộc hộ nghèo (được miễn 100% học phí và tiền cơ sở vật chất) và hộ cận nghèo (được giảm 50% học phí).

 

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho hay, năm nay vẫn áp dụng các khoản thu như quy định trong năm học trước trong khi chờ đề án học phí mới sắp được trình HĐND thành phố.

 

Tuy nhiên, năm học này sẽ có khoảng 20 tỉnh, thành trên cả nước áp dụng mức học phí mới và phải thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp của người dân, tuyệt đối không gây quá tải. Mặc dù có sự chênh lệch theo vùng, miền (thành thị, nông thôn, miền núi) nhưng mức thu đều được điều chỉnh cao hơn trước.

 

Tại Đà Nẵng, mức thu học phí được phân thành 4 vùng dựa vào mức sống của người dân, theo đó, nhà trẻ - mẫu giáo thu từ 5.000đ - 80.000đ/tháng; THCS: 5.000đ - 50.000đ/tháng; THPT: 5.000đ - 60.000đ/tháng. Sở GD-ĐT Cần Thơ sẽ áp dụng mức tăng học phí cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với những năm trước tùy theo mỗi bậc học và vùng (nông thôn, thành thị)…

 

Vấn đề đặt ra là, với mức học phí mới liệu có tránh được nạn lạm thu đầu năm của các trường? Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, phải chấn chỉnh công tác thu chi trong trường học nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu.

 

Bước vào năm học mới, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường có đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất có thể bố trí dạy học hơn 6 buổi/tuần. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu việc dạy trên 6 buổi/tuần phải đảm bảo không gây quá tải cho HS, tổ chức học tăng thời gian trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ HS, không được lợi dụng việc tăng thời gian dạy học để lạm thu.

Trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều địa phương cũng đưa ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng này. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã tập trung nghiên cứu làm thế nào để đảm bảo đúng tính chất đóng góp tự nguyện. Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu từ đầu năm, không đặt ra các khoản thu hoặc thu vượt quy định.

 

Khởi động nhiều đề án quan trọng

Một số đề án gây sự chú ý đặc biệt của xã hội bởi mục tiêu cũng như mức kinh phí đầu tư khá lớn sẽ được triển khai ngay trong năm học này. Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội nghị triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi, với kinh phí 14.660 tỷ đồng. Đề án này tạo bước phát triển quan trọng cho bậc mầm non khi mục tiêu của đề án là chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ 5 tuổi với việc tiếp cận chương trình giáo dục mầm non mới trước khi vào lớp 1.

 

Với thời hạn đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi đưa ra là hoàn thành phổ cập vào năm 2015, các tỉnh, thành đều cho biết sẽ thực hiện xong trước thời hạn này. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội và TP HCM nhấn mạnh, để PCGDMN trẻ 5 tuổi cần xây dựng hệ thống giáo dục mầm non bền vững, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất đạt chuẩn để đảm bảo an toàn cho trẻ.

 

Năm học 2010 - 2011 là năm đầu tiên khởi động đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020. Tổng kinh phí dự toán thực hiện đề án là 9.738 tỉ đồng. Theo đề án, năm học này sẽ thí điểm dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% học sinh lớp 3, phấn đấu vào năm học 2018 - 2019 là 100%.

 

Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015 cũng được Bộ GD-ĐT yêu cầu nhanh chóng triển khai từ năm học này. Đề án nhằm xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2010 đến 2015 và từ 2015 đến 2020./.

 

 

  

Theo vovnews.vn/Báo TNVN

Tệp đính kèm