Nhiều vấn đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi đã được bàn bạc, tranh luận tại Hội thảo “Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực” khai mạc sáng nay (12/10) tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Một số "rào cản" trong đào tạo đội tuyển HS giỏi
Một trong những điều khiến các giáo viên đào tạo đội ngũ học sinh giỏi thi quốc gia, quốc tế hiện nay “đau đầu” là học sinh và cả phụ huynh học sinh không còn mặn mà với việc vào đội tuyển học sinh giỏi như trước kia. Chính các thầy cô giáo ở địa phương hiểu hơn ai hết khó khăn của việc động viên học sinh giỏi tham gia các kỳ thi trong những năm gần đây. Việc giảm sút nhiệt tình của học sinh đối với các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng là lý do quan trọng dẫn đến sự giảm sút chất lượng đội tuyển.
TS.Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông năng khiếu ĐHQGHCM cho biết, trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi có quy định mới về chế độ ưu đãi đối với học sinh đoạt giải quốc gia, phong trào học sinh giỏi đã có phần đi xuống. Phụ huynh và học sinh không còn mặn mà với các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp thành phố đến cấp quốc gia, quốc tế. Điều này được TS.Nguyễn Thanh Hùng lý giải do đích đến của học sinh và phụ huynh khi học xong THPT là vào được một trường ĐH trong hoặc ngoài nước. Kể từ khi Bộ GD&ĐT bỏ chế độ tuyển thẳng vào ĐH cho các học sinh giỏi đạt giải quốc gia, học sinh và phụ huynh sẽ chọn con đường ít chông gai hơn để đi tới đích, đó là tập trung ôn thi ĐH và học tiếng Anh. Việc học sinh không còn mặn mà với việc thi học sinh giỏi, đặc biệt là tình trạng học sinh lớp 12 bỏ thi học sinh giỏi kéo theo việc giảm tâm huyết của các thầy cô giáo và các trường chuyên.
TS.Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, đây thực sự là một hiện tượng “đau lòng” đánh vào nhiệt huyết của các thầy cô giảng dạy chuyên và các đội tuyển. Để có được một giáo viên dạy học sinh giỏi phải cần ít nhất 3 năm (tương đương với 1 chu kỳ lo đội tuyển từ lớp 10 tới lớp 12), song chỉ không giảng dạy 1 năm có thể mất 1 giáo viên đã gắn bó với sự nghiệp này hàng chục năm.
Có lẽ đây cũng là một lý do khiến thứ hạng của các đội tuyển thi Olympic quốc tế những năm gần đây của nước ta không được cải thiện đáng kể mà có chiều hướng đi xuống. Ngay Cục phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Kiên cũng nhận định, kết quả dự thi Olympic quốc tế của Việt Nam 5 năm gần đây có phần chững lại hoặc đi xuống trong khi kết quả dự thi của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á lại có tiến bộ rõ rệt. Năm 2010, Việt Nam chỉ giành 2 Huy chương Vàng ở cả 5 môn.
Còn theo nhận định của GS.TSKH.Hà Huy Khoái – Viện Toán học – Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam: Đội tuyển Olympic Toán học của Việt Nam đang lùi dần khỏi top 20 đội mạnh nhất.
Tuy nhiên, nguyên nhân của việc giảm sút chất lượng đội tuyển không chỉ nằm ở sự giảm sút lòng nhiệt tình. Theo phân tích của nhiều cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm trong đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, hiện tượng này còn do ảnh hưởng của cách tổ chức kỳ thi, việc giảm bớt số ngày thi và thời gian làm bài; việc thay đổi đội tuyển Olympic hầu như hoàn toàn mới mỗi năm; việc bồi dưỡng học sinh giỏi làm theo kiểu “địa phương”, tỉnh nào lo đội tuyển tỉnh đó; khó khăn trong tài liệu bồi dưỡng; kinh phí...
Chế độ đãi ngộ hợp lý là vô cùng quan trọng
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực đều cho rằng, để “vực” phong trào học sinh giỏi, điều quan trọng là có chế độ khen thưởng, đãi ngộ hợp lý đối với cả học sinh và giáo viên. Ví dụ như việc ưu tiên nâng lương sớm cho giáo viên có học sinh giỏi quốc gia được thực hiện tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
TS.Phạm Văn Lập, trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội đặt ra câu hỏi, liệu ta có nên xem xét lại các chính sách ưu đãi đối với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế theo một cách nào đó để động việc khuyến khích học sinh. “Đã có một thời gian, sau các đợt tập huấn và đưa học sinh đi thi quốc tế, các cán bộ giáo viên tham gia tập huấn và học sinh được thưởng một vài trăm nghìn đồng gọi là động viên, cùng với bằng khen. Tuy nhiên, nhiều năm nay thì ngay cả một đồng cũng không được thưởng trong khi các giáo viên, huấn luyện viên các đoàn thể thao thì được hưởng xứng đáng. Giáo viên tham gia tập huấn đội tuyển và đưa học sinh đi thi không trông đợi vào tiền thưởng, tuy nhiên tiền thưởng thể hiện sự đánh giá công lao của họ. Dù có nhiệt tình với học sinh và danh dự quốc gia đi mấy thì cũng không mấy người sẵn sàng dành thời gian công sức cho công việc khi không được nhà nước đánh giá đúng công sức của họ” - TS.Phạm Văn Lập chia sẻ.
Bên cạnh cần có cơ chế chính sách đãi ngộ với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế hơn nữa, đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng đề xuất với Bộ GD&ĐT nên cấp giấy chứng nhận đối với thày cô giáo có học sinh đoạt giải; có tổng kết đánh giá thành tích các địa phương nhằm khuyến khích động viên kịp thời các đơn vị có kết quả cao về công tác học sinh giỏi.
TS.Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông năng khiếu ĐHQGHCM thì đề xuất phục hồi lại chế độ tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia vào ĐH theo phương án, tuyển thẳng các em đoạt giải chính thức vào học các ngành khoa học tương ứng với môn các em dự thi.
Ông Trần Văn Kiên Cục phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) thì cho rằng, cần thay đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư 29/2007/TTLT/BTC-BGD-DT hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi cho công tác tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực vì một số mức chi được quy định trong thông tư quá thấp, không phù hợp với thực tế. Ông Kiên cũng đề nghị nên tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sớm hơn các năm trước khoảng 2 tháng; tăng số lượng học sinh trong các đội tuyển của các địa phương; tăng thời gian và số buổi thi; tích cực chuẩn bị về mọi mặt để có thể tổ chức thi thực hành đối với các môn khoa học thực nghiệm...
Theo GD&TĐ Online