Cập nhật: 06/12/2010 15:58:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo dục tiểu học ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn đang khởi sắc và hứa hẹn những mùa thu hoạch về đảm bảo chất lượng giáo dục. Đó là lời khẳng định của ông Đặng Tư Ân, Vụ trưởng, Giám đốc dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC).

 

Những thành quả những như khó khăn và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai đề án sau 7 năm hoạt động đã được nêu ra tại hội thảo tổng kết dự án PEDC sáng nay (6/12) dưới dự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

 

PEDC bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003 và kết thúc năm 2010, áp dụng cho 227 huyện có khó khăn về giáo dục thuộc 40 tỉnh trên cả nước. Với tổng kinh phí 243,673 triệu USD, dự án tập trung chủ yêu vào đối tượng mục tiêu là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong giáo dục tiểu học.

 

Thành quả chủ yếu của dự án sau 7 năm hoạt động thể hiện ở những thay đổi cơ bản cơ sở vật chất trường tiểu học ở các huyện mục tiêu; cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; nâng cao nhận thức và đã có hiệu quả bước đầu về sự phối hợp, tham gia của gia đình, cộng dồng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở vùng khó khăn; có tác động tích cực với giáo dục và góp phần thực hiện các chủ trương lớn của Nhà nước và Chính phủ.

 

PEDC đã giúp nhiều điểm trường có phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá đã được thay thế bằng phòng học kiên cố, khang trang. Nội thất lớp học được trang bị đầy đủ với ghế đơn và bàn đôi cho học sinh cùng bảng chống lóa; hệ thống ánh sáng được đảm bảo; công trình vệ sinh được xây mới cùng nước sạch. Đến nay, PEDC đã xây mới và nâng cấp 19.861 phòng học, 5.101 phòng giáo viên, 10.642 nhà vệ sinh, 4.909 bể nước sạch và trang bị 72.089 bộ bàn ghế học sinh, 3487 bộ bàn ghế giáo viên và 3487 chiếc bảng.

  

Dưới sự hỗ trợ cảu các tư vấn quốc tế, dự án đã tiến hành xây dựng thí điểm, in và nhân rộng 13 chương trình tập huấn cho cán bộ, giáo viên và cộng đồng. Trên 50 đầu sách với gần 3000 trang trong bộ các chương trình bồi dưỡng của dự án PEDC được đánh giá cao về nội dung và ý nghĩa thực tế giảng dạy cho trẻ khó khăn. Các chương trình tập huấn của dự án đã tác động mạnh đến giáo viên, làm thay đổi nhận thức của họ đối với việc giáo dục học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp cho họ những phương pháp, kỹ năng dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh mà trước đây còn xa lạ với họ.

 

Dự án đã tạo ra mẫu hình về phương thức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên khá hiệu quả... Đặc biệt, việc hình thành đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo viên ở những nơi có đông học sinh dân tộc thiểu số là một giải pháp quan trọng để huy động trẻ 6 tuổi đi học, duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ bỏ học, nâng cao chất lượng học tập. Các địa phương đều đánh giá cao giải pháp này và đều có phương án duy trì đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo viên sau khi dự án kết thúc...

 

Tại hội thảo, đại diện nhiều sở GD&ĐT được hưởng lợi từ dự án PEDC đều khẳng định những đóng góp, tác động tích cực của dự án đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Ông Trương Kim Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, sau 7 năm triển khai, tác động mạnh mẽ và nổi bật nhất của PEDC là đến chất lượng giáo dục tiểu học ở các điểm trường vùng khó khăn của tỉnh. Tác động tích cực của dự án tới giáo dục Lào Cai là đã thay đổi căn bản tình trạng cơ sở vật chất trưởng tiểu học ở những điểm trường. Hầu hết đường tới các điểm trường ở xã đặc biệt khó khăn đều xa, dốc, qua nhiều khe sâu, suối thẳm; do đó, cước phí vận chuyển cao, khối lượng xây lắp nhỏ, quản lý thi công tốn kém, vất vả, nên lợi nhuận thấp, có khi thua lỗ. Các nhà thầu không muốn nhận thầu xây lắp các công trình phòng học ở đây.

 

Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học không thể thực hiện được, vì chi phí quá cao; chỉ  có PECD mới đảm bảo vốn cho xây dựng những lớp học cho trẻ em ở những điểm trường vùng đặc biệt khó khăn. Mặt khác, cùng với phòng học, PEDC cho xây dựng phòng ở giáo viên, công trình  nước sạch, công trình vệ sinh; đó là những hạng mục công trình chưa từng có tại hầu hết các điểm trường ở xã đặc biệt khó khăn và vùng cao, các thôn bản dân tộc thiểu số. Lớp học cắm bản tạm thời, tranh tre nứa lá, nền đất ẩm thấp hoặc bụi bậm do dân làm mỗi năm, dần dần được thay thế bằng các phòng học kiên cố, khang trang.

 

Với 661 phòng học xây mới, 580 phòng học được sửa chữa, 250 phòng ở của giáo viên xây mới, 210 nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, học sinh, 210 công trình nước hợp vệ sinh trải khắp 288 điểm trường trên địa bàn 7 huyện khó khăn nhất tỉnh, PEDC đã cùng với Dự án giảm nghèo và một số Chương trình, dự án khác trên địa bàn góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình trạng sập sệ, xiêu vẹo, đơn sơ của các điểm trường vùng núi cao, xã đặc biệt khó khăn. Giáo viên cắm bản giảm bớt khó khăn khi tới sống và làm việc ở điểm trường, do đó có điều kiện để bám lớp, gắn bó với dân hơn; vì vậy chất lượng, hiệu quả công tác cao hơn.

 

Đại diện Ban điều hành dự án PEDC của Khánh Hòa thì khẳng định, các hoạt động triển khai của dự án PEDC đều mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó hoạt động của mô hình dịch vụ hỗ trợ giáo dục hoà nhập đã thực sự tạo điều kiện để các em có hoàn cảnh khó khăn được hòa nhập, có điều kiện đến trường, duy trì sĩ số cũng như nâng cao chất lượng học tập. Tất cả các hoạt động của Dự án đã rút ngắn được khoảng cách thiệt thòi của trẻ em, hướng tới việc tạo cơ hội đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam nói chung và trẻ em Khánh Hoà nói riêng

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm