Những năm gần đây, kể từ khi cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" phát huy tác dụng làm thay đổi cả đời sống học đường, các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH,CĐ ở ta đều được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Mỗi kỳ thi quốc gia có tới cả triệu thí sinh tham gia thi và cùng với các sĩ tử là người thân, bè bạn..., chính vì vậy, thi cử bao giờ cũng là chuyện lớn, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thành công của mỗi kỳ thi đều có sự chung lưng đấu cật của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, của các thầy cô giáo, của các em học sinh- thí sinh và tất nhiên, của toàn xã hội.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, hiện tượng tiêu cực trong thi cử vẫn chưa bị triệt tiêu. Mỗi kỳ thi đều có những cán bộ coi thi bị kỷ luật, thí sinh bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí bị đình chỉ thi. Đơn cử như việc không được mang điện thoại di động vào phòng thi đã được nhắc nhở nhiều lần, nhưng kỳ thi nào cũng có thí sinh vi phạm. Ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức thi cử (từ khâu ra đề, in, sao đề đến coi, chấm thi), tuy nhiên, tiêu cực trong thi cử thì vẫn còn đó.
Không riêng ở Việt Nam, nhìn ra thế giới, tiêu cực trong thi cử luôn là căn bệnh kinh niên, khó chữa. Ngay tại Mỹ, nơi luôn được vinh danh là "thiên đường của giáo dục" cũng không tránh được căn bệnh quái ác này. Ngày 5/7 vừa qua, vụ gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã được công bố, theo đó, ít nhất có 178 giáo viên và hiệu trưởng tại 44 trường công ở thành phố Atlanta thuộc bang Georgia đã thông đồng để nâng điểm trái phép cho học sinh trong các kỳ thi tiêu chuẩn của bang. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi, Thống đốc bang Georgia Nathan Deal phải kêu lên: Ngày 5/7 là ngày đen tối nhất của ngành giáo dục thành phố Atlanta. Theo kết quả điều tra, số giáo viên và hiệu trưởng trên đã xóa và chỉnh sửa những lỗi và bài làm của học sinh tham gia kỳ thi chuẩn thường niên ở bang Georgia. Ngoài ra, một số nhà quản lý còn tìm cách "bịt miệng" những người có ý định tố cáo vụ bê bối này.
Kỳ thi quốc gia thống nhất (EGE) ở Nga vừa kết thúc trong tranh cãi. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, đa số người dân Nga cho rằng nên dẹp bỏ cái kỳ thi quốc gia thống nhất ấy đi, hoặc chí ít là để cho nó tồn tại theo hình thức tự chọn chứ không bắt buộc như hiện nay. Nguyên nhân làm dư luận bức xúc có nhiều, nhưng cơ bản là do tình trạng tiêu cực trong thi cử đã đến hồi báo động. Thông tin về việc TS sử dụng ĐTDĐ trong phòng thi như sôi lên trong "đường dây nóng" của Thanh tra giáo dục Nga. Anna Ivanova gọi ngày 2/6: "Rất muốn thông báo với cơ quan chức năng về việc vi phạm quy chế thi EGE. Tại trường THPT (...) vùng Stavropol cuộc thi EGE Tiếng Nga thật sự hỗn loạn. Hầu như TS nào cũng mang ĐTDĐ, thậm chí máy ảnh vào phòng thi. Khi giám thị đọc đề thi xong, mỗi thí sinh xin phép ra ngoài tới 5-6 lần. Họ trao đổi lời giải thoải mái. Rất nhiều giáo viên cũng tham gia giải đề thi, ném “phao” cho TS.
Ở vùng Bắc Kavkaz, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố Thứ trưởng Bộ GD&KH Adygey Maryat Alieva vì vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Số là Adygey Maryat Alieva trao cho đại diện học sinh đề thi trước khi môn thi bắt đầu để...có thời gian chuẩn bị lời giải.
Nhìn sang Trung Quốc, gian lận trong thi cử ở nước này cũng không kém phần gay cấn. Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ 62 người bị nghi là bán các thiết bị điện tử nhằm giúp các sĩ tử gian lận trong kỳ thi ĐH vừa qua. AFP dẫn thông báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, cảnh sát nước này đã phá được 45 vụ liên quan đến gian lận thi cử ngay trước thềm kỳ thi đại học toàn quốc diễn ra vào các ngày 7-8/6. Theo kết quả thăm dò gần đây của Thanh niên Nhật Báo Trung Quốc, 83% trong số 900 sinh viên tham gia cuộc thăm dò đã thừa nhận có gian lận trong thi cử. Tình trạng căng tới mức, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã xem xét dự thảo luật để đối phó với nạn gian lận thi cử đang có chiều hướng gia tăng.
Như vậy, tiêu cực thi cử có ở khắp nơi trên trái đất này. Điều hết sức quan trọng rằng việc gian lận trong thi cử đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của giáo dục, dẫn tới triệt tiêu động lực phát triển của giáo dục nói chung, triệt tiêu ý chí phấn đấu “dạy tốt, học tốt” của thầy và trò nói riêng. Tiêu cực thi cử như những ký sinh trùng độc hại lẩn khuất trong mỗi tế bào, trong mỗi cơ thể khỏe mạnh của chúng ta. Để triệt tiêu những ký sinh trùng độc hại ấy, trước hết phải có thái độ nhìn nhận đúng mực, có những giải pháp hữu hiệu từ phía chính quyền, có tinh thần tự giác, kiên quyết đấu tranh với hành vi gian lận của mỗi công dân nói chung, của thầy và trò nói riêng. Và trên hết, trong mỗi kỳ thi, ngành Giáo dục phải nhận được sự động viên, chia sẻ, sự chung tay gánh vác của toàn xã hội.
Theo Thuỵ Anh/GD&TĐ Online