Cập nhật: 19/08/2011 16:39:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảotài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông nhằm xin ý kiến rộng rãi. Tài liệu này được biên soạn theo hướng tinh giảm nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế.

Một số nội dung được tinh giảm như: với nội dung dạy học môn tiếng Việt lớp 1, giảm số câu hỏi trong mục Luyện nói đối với bài Dạy âm vần mới; chưa yêu cầu tất cả HS kể chuyện trong mục Kể chuyện đối với bài Ôn tập. Đối với bài Tập đọc, chú trọng kĩ năng đọc trơn, hướng dẫn học sinh ngắt nghỉ hơi đúng chỗ có dấu câu nhưng chưa đặt thành yêu cầu đánh giá kĩ năng đọc. Đối với bài Kể chuyện: chưa yêu cầu kể lại toàn bộ câu chuyện; chưa yêu cầu phân vai tập kể lại câu chuyện…

 

Với nội dung dạy học môn tiếng Việt lớp 4, 5, một số yêu cầu cần đạt điều chỉnh theo hướng: Chú ý yêu cầu đọc hiểu, trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài, giọng đọc phù hợp với nội dung bài với phân môn Tập đọc. Phân môn Chính tả: Thay hoặc bớt ngữ liệu dài và khó cho các bài luyện tập chính tả. Phân môn Tập làm văn: Thay một số nội dung, đề bài gần gũi với học sinh. Không dạy một số bài khó. Phân môn Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe đã đọc, có thể cho học sinh kể lại chuyện trong SGK hoặc nghe giáo viên đọc, kể tại lớp rồi kể lại; Kể chuyện chứng kiến tham gia, không dạy một số bài khó. Phân môn Luyện từ và câu: Các bài dạy khái niệm mới chỉ yêu cầu nhận diện, chưa yêu cầu hiểu bản chất khái niệm.

 

Với môn Toán tiểu học, giảm bớt một cách hợp lí mức độ khó của các kiến thức lí thuyết, có thể không dạy cả bài học hoặc chuyển sang dạng có tính chất giới thiệu như bài học thêm; giảm các bài tập luyện tập, thực hành trong từng tiết học cụ thể; giảm hợp lí các nội dung chưa thiết thực hoặc chưa có điều kiện thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho GV và HS trong dạy học...

 

Với môn Lịch sử, Địa lý, điều chỉnh một số yêu cầu ở một số bài học môn Lịch sử và Địa lí các lớp 4, 5 theo hướng cơ bản, tinh giản, thiết thực hơn. Các yêu cầu tường thuật diễn biến sự kiện được chuyển thành yêu cầu kể lại sự kiện. Các bài ôn tập phần Địa lí yêu cầu hệ thống kiến thức được điều chỉnh thành nêu một số đặc điểm tiêu biểu. Một số bài chuyển thành bài tự chọn. Đối với bài tự chọn như “Thành phố Huế”, “Điện Biên Phủ trên không”…, có thể giới thiệu cho học sinh tại các địa phương liên quan như một nội dung lịch sử, địa lí địa phương, không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá đối với bài tự chọn...

 

Bộ GD&ĐT lưu ý, tùy theo điều kiện của địa phương và trình độ của HS, GV có thể áp dụng những nội dung được giảm tải cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy nội dung nào chưa phù hợp với trình độ và tình hình thực tế ở địa phương thì có thể thay thế nội dung. Trong quá trình giảng dạy, GV cần chú ý tới thể lực của từng HS để cân đối lượng vận động.

 

 

Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm