Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020. Theo đó, nội dung của Chương trình thể hiện ở 7 đề án.
Đó là các đề án: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm; Đổi mới cụng tỏc quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm; Kiểm định chất lượng các trường sư phạm; Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Dự kiến, quý II/2011 sẽ thành lập Ban chỉ đạo Thực hiện Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 và các Ban chủ nhiệm Đề án thuộc Chương trình; xác định tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2011 đến năm 2020.
Quý II/2011 sẽ Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt các đề án thuộc Chương trình; lập và duyệt dự toán cho việc thực hiện các đề án thuộc Chương trình. Triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm. Tổ chức sơ kết giai đoạn 2011-2015 vào cuối năm 2015.
Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành điều chỉnh các nội dung cần thiết của Chương trình và của các đề án thuộc Chương trình. Tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
Ngành sư phạm được thành lập theo Sắc lệnh số 194 ngày 08/10/1946 của Chủ tịch Nước. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường sư phạm vẫn còn yếu kém, bất cập trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trường, trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức và còn chậm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Hiện, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sĩ của các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm đều thấp hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến và thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của các trường đại học, cao đẳng trong toàn hệ thống giáo dục đại học cả nước.
Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online