Cập nhật: 27/09/2011 16:45:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng nay 27/9 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cuộc tọa đàm. Tham dụ có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, cùng đông đảo nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, các nhà nghiên cứu giáo dục.

 

Phát biểu đề dẫn, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nêu vấn đề cần thiết để tổ chức cuộc tọa đàm, ông kiến nghị các đại biểu cho ý kiến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam để  cùng có nhận thức về đổi mới một cách căn bản và toàn diện.

 

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới toàn diện nền giáo dục đồng thời thực hiện Thông báo kết luận số 242-TB/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020. Mười năm qua bên cạnh những thành tựu to tớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước, giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước sẽ có nhiều biến động, việc ban hành một Chiến lược phát triển giáo dục phù hợp với tình hình mới là đòi hỏi cấp thiết. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh sự cần thiết cho việc phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục, quan điểm chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 cùng những điểm mới trong Chiến lược, đồng thời đưa ra lựa chọn 7 giải pháp , trong đó có 3 giải pháp có tính đột phá là: Đổi mới quản lý giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh về việc vừa qua Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, điều này cho thấy Đảng đã thấy sự cấp bách của vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi. Trước mắt Trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện.

 

Đánh giá về thực trạng giáo dục Việt Nam, GS.TS Trần Quốc Toản – nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho rằng: Nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều đòi hỏi, thách thức và cơ hội lớn lao. Việt Nam tận dụng như thế nào các cơ hội, vượt qua như thế nào các thách thức để đáp ứng những đòi hỏi mang tính lịch sử của đất nước. Để nhận thức đúng, sâu sắc tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta cần phải làm rõ và trả lời 3 câu hỏi cơ bản sau đây là: Vì sao lại phải đổi mới căn bản, toàn diện bền giáo dục; Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là đổi mới thế nào; Làm thế nào để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

 

Từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, bằng trải nghiệm thực tế của mình GS. TSKH Vũ Ngọc Hải đã đưa ra lý giải việc cần thiết phải đổi mới căn bản nền giáo dục, ông cho rằng đây là giải pháp đột phá để giáo dục phát triển nhanh và bền vững. Đẻ triển khai thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nên giáo dục Việt Nam, ông đưa ra kiến nghị thực hiện các giải pháp then chốt và đột phá chính, đó là: Đổi mới căn bản quản lý giáo dục và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

 

Cuộc tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến thể hiện tâm huyết và tránh nhiệm cao với nền giáo dục, đồng thời đưa ra những lý giải, đề xuất nhằm đưa nền giáo dục nước nước ta sớm trở thành nền giáo dục mở, dân tộc, tiến tiến, hiện đại, tương thích với các nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

 

Theo Yên Thúy/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm