Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, quá trình đào tạo, quy trình đào tạo không phân biệt sinh viên trường công lập hay ngoài công lập, vì vậy tuyển sinh cùng mức điểm sàn cho tất cả các trường là như nhau.
PV: Thời gian tới, Bộ sẽ chấn chỉnh gì trước thực tế nhiều trường ngoài công lập chạy theo số lượng nhiều hơn là chất lượng, bằng chứng là các trường này xin Bộ cho tuyển sinh dưới điểm sàn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi còn kỳ thi 3 chung thì nhất thiết vẫn phải sử dụng điểm sàn. Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu mà sinh viên có đủ năng lực để có thể học đại học được. Nếu thấp hơn ngưỡng này sinh viên vào học đại học sẽ không đảm bảo chất lượng hoặc không học được đại học.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng trình độ nhân lực của chúng ta đang bị lệch pha, quá nhiều sinh viên học đại học, trong khi đó ít học sinh chọn học nghề, do đó những em nào không có đủ năng lực thì tốt nhất các em nên chọn học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp để có thể xin việc tốt hơn. Khi mà chế độ sàng lọc các trường dân lập hiện nay chúng ta không thể kiểm soát được, do đó cho hết các em vào học mà không có sàng lọc thì chất lượng đào tạo không đảm bảo. Ví dụ nếu cho tất cả thí sinh bất cứ điểm nào cũng vào học mà không có sự sàng lọc thì chất lượng đầu ra sẽ không đảm bảo, nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào là cần phải làm để đảm bảo chất lượng.
PV: Thứ trưởng có bình luận gì về tốc độ mở các trường đại học quá lớn sẽ đưa ra xã hội một lượng sinh viên kém chất lượng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những trường đảm bảo uy tín như các trường công lập thì đã được sàng lọc rất kỹ. Như trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thời tôi làm hiệu trưởng đầu vào khá cao, nhưng đầu ra chưa tới 70%, như vậy vẫn còn tiếp tục sàng lọc rất nhiều trong quá trình đào tạo.
Hiện nay, các trường ngoài công lập việc sàng lọc học sinh chưa thực tốt, vì vậy nhiều trường ra khá giỏi nhiều nhưng vẫn gây những phân vân cho xã hội. Do vậy, Luật GDĐH lần này đã đưa kiểm soát chất lượng, kiểm định chất lượng vào. Và trong suốt quá trình đào tạo sẽ có cơ quan kiểm định chất lượng để đảm bảo không thể hạ thấp quá giới hạn được.
Thời gian tới sẽ không còn thành lập nhiều trường ĐH học nữa bởi vì họ phải đảm bảo chất lượng và việc thành lập đại học hiện nay cũng không phải dễ dàng, cũng không còn dễ để mà hoạt động. Bây giờ để có học sinh học hay không cũng là cả một vấn đề lớn. Chúng ta cũng thấy mấy năm nay nhiều trường không thể tuyển đủ sinh viên. Như vậy trường ĐH mở ra phải đảm bảo chất lượng, uy tín cần thiết thì mới thu hút được học sinh. Điều đó cần có rất nhiều thời gian và công sức tiền của rất lớn, nên không dễ dàng lập trường là có học sinh ngay. Chính vì vậy các nhà đầu tư là phải hết sức thận trọng trong việc đầu tư vào ĐH để đảm bảo chất lượng cần thiết. Sắp tới chủ trương chung của Bộ là làm thế nào đảm bảo chất lượng đào tạo nên quy trình thành lập trường là hết sức nghiêm ngặt như diện tích đất, đầu tư con người, đội ngũ giảng dạy… sẽ hết sức bài bản để sau này chí ít xác xuất không tuyển đủ sinh viên là không nhiều.
Thí sinh thi ĐH, CĐ năm 2010. Ảnh: gdtd.vn
PV: Trong khi chờ đợi Luật GD ĐH được thông qua, tới đây việc tuyển sinh ĐH, CĐ có gì mới không thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ý kiến của Bộ là sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh theo hướng thiết thực, gọn nhẹ nhất có thể được. Hiện nay Bộ đang trong quá trình nghiên cứu giao cho một số trường thí điểm trước tự tuyển sinh để xem hiệu quả như thế nào. Trước đây chúng ta đã làm thế rồi nhưng đã gây bất cập như luyện thi tràn lan, xã hội bức xúc không công bằng. Do vậy Bộ sẽ cho một số trường tự tuyển sinh thử, tất nhiên là giao cho những trường đủ điều kiện hàng đầu làm thử, trên cơ sở kết quả đó, đánh giá lợi chỗ nào và không lợi chỗ nào rồi phân tích lựa chọn phương án thích hợp nhất. Về lâu dài sẽ làm cho kỳ thi đơn giản nhất có thể được để giảm bớt áp lực cho xã hội. Sự thay đổi phải từng bước, trong cả quá trình để học sinh phổ thông có bước chuẩn bị bởi vì tuyển sinh ĐH, CĐ ảnh hưởng rất nhiều đến bậc học phổ thông.
Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online