Mặc dù Bộ GD-ĐT đã khẳng định phương thức tuyển sinh "ba chung" vẫn được duy trì trong mùa tuyển sinh năm nay, song nhiều thí sinh vẫn mong ngóng hội nghị hiệu trưởng dự kiến tổ chức trong tháng 2-2012 sẽ chốt lại các quy định mới. Nhiều trường đã nhanh chóng đưa ra các dự tính để thí sinh sớm có thông tin và định hướng thi cử.
Nhiều trường giảm chỉ tiêu
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 sẽ tuyển mới 576.000 chỉ tiêu, tăng 28.000 chỉ tiêu so với năm 2011. Nếu như tỷ lệ tăng chỉ tiêu đã chậm lại trong những năm gần đây thì sự mất cân đối giữa các nhóm ngành vẫn còn thể hiện rõ. Số lượng áp đảo vẫn là ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng với 184.300 chỉ tiêu. Tiếp đến là ngành kỹ thuật công nghệ 172.800 chỉ tiêu; sư phạm 54.600 chỉ tiêu; khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu; nông lâm ngư 43.200 chỉ tiêu; y dược 40.300 chỉ tiêu và nghệ thuật - thể dục thể thao 29.000 chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT cũng đưa ra dự kiến chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 3.900, thạc sĩ 50.000 và chuyên khoa là 4.000. Chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp năm 2012 tương đương với năm trước là 300.000 chỉ tiêu.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, chỉ tiêu nói trên dựa vào nhu cầu nguồn nhân lực trình độ ĐH, CĐ của các địa phương và căn cứ số lượng giảng viên, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo. Hai tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh là tỷ lệ số học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/sinh viên. Áp dụng chặt chẽ các tiêu chí này, nhiều trường, nhất là trường ngoài công lập đã chủ động giảm chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu. Năm nay Trường ĐH Chu Văn An có 1.000 chỉ tiêu, giảm 400 so với năm trước. Trường ĐH Thành Tây giảm khoảng 200 chỉ tiêu, còn khoảng 1.000 chỉ tiêu cho các hệ.
Nhiều trường công lập khác cũng giữ ổn định chỉ tiêu hoặc tăng, giảm không đáng kể như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính - Viễn thông... Trường ĐH Giao thông - Vận tải dự kiến tổng chỉ tiêu là 5.000, tăng 300 so với năm 2011. Trường ĐH Công đoàn năm nay lại giảm 200 chỉ tiêu tuyển sinh, còn khoảng 2.000. Trường ĐH Hà Nội tăng 250 chỉ tiêu nhưng trong đó có 200 chỉ tiêu dành để xét tuyển người nước ngoài. Trường ĐH Điện lực tăng 300 chỉ tiêu với tổng số là 2.600. Một số trường như ĐH Mỏ - Địa chất tăng khoảng 700 chỉ tiêu, ĐH Thương mại tăng khoảng 800 chỉ tiêu cho cả 2 hệ ĐH và CĐ...
Thêm ngành thi, khối thi
Cùng với thông tin về chỉ tiêu, nhiều trường quan tâm tới việc quảng bá sớm về các ngành đào tạo mới và đặc biệt là về khối thi mới nhiều khả năng được áp dụng, khối A1 với 3 môn toán, lý, ngoại ngữ. ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay bắt đầu đào tạo 2 ngành mới là bác sĩ đa khoa và dược học. Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết hệ ĐH sẽ mở thêm chuyên ngành mới gồm hệ thống điện, xây dựng dân dụng, xây dựng hạ tầng cơ sở và ngành kỹ thuật môi trường; hệ CĐ mở thêm chuyên ngành công nghệ thông tin. ĐH Điện lực đang chờ Bộ GD-ĐT duyệt cho mở thêm mã ngành mới là xây dựng, trong đó có chuyên ngành công trình điện.
Nhiều trường, cả trong và ngoài công lập, tỏ ý sẵn sàng đưa khối thi A1 gồm toán, lý, ngoại ngữ vào mùa tuyển sinh năm nay vì cho rằng khối thi này phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, Học viện Bưu chính - Viễn thông. Bên cạnh đó, có trường như ĐH Giao thông - Vận tải, tuyển sinh khối A với số lượng lớn song cho biết trước mắt chưa đưa khối A1 vào kỳ thi. Theo các chuyên gia tuyển sinh, khối thi A1 sẽ giúp các thí sinh giỏi ngoại ngữ thêm cơ hội vào được trường phù hợp, song lợi thế này phần lớn dành cho các thí sinh thành phố vốn có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn. Phần lớn thí sinh nông thôn lại yên tâm hơn với khối A truyền thống, bởi với môn hóa các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có cơ hội đạt điểm cao.
Ngoài ra, một trong những thay đổi dự kiến của mùa tuyển sinh năm nay là không tiếp tục in ấn cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ". Thay vào đó, các thông tin tuyển sinh sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và của các trường. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ khó có điều kiện tiếp cận thông tin một cách chính xác. Trong khi đó, thông tin trong cuốn "Những điều cần biết..." của năm cũ không còn chính xác vì các mã ngành có sự thay đổi. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi nói trên mới chỉ là dự kiến và sẽ được quyết định sau hội nghị hiệu trưởng sắp tới. Bộ GD-ĐT cho biết, cuốn "Những điều cần biết…" vẫn đang được thực hiện theo tiến độ thông thường.
Theo Quỳnh Phạm/HNM Online