Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 (Đề án KCH) thực hiện theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã kịp thời phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Giải quyết điều kiện chỗ ở cho giáo viên từ GD Mầm non đến các cấp học Phổ thông.
Đã cơ bản xóa được tình trạng học 3 ca, phòng học tạm
Đến trường Tiểu học Hàm Mỹ 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trong một ngày mưa lớn đầu tháng 7 mới thấy hết ý nghĩa của Đề án KCH mang lại. Hơn ai hết, hiệu trưởng nhà Trần Văn Lập thấy rõ giá trị của 12 phòng học (PH) kiên cố 2 tầng khang trang vừa được đưa vào sử dụng như thế nào so với 8 phòng học cấp 4 dột nát trước đây.
Thầy Lập cho biết: năm học 2011-2012 công trình nhà lớp học của trường được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong Đề án KCH vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 333 học sinh đã được học trong phòng học mới, sạch đẹp với đầy đủ đèn chiếu sáng, quạt mát. Chỉ năm học trước đó thôi, GV và HS toàn trường phải chia ra học 2 ca sáng và chiều trong những phòng học cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng ẩm thấp, nóng bức, vào ngày mưa, các phòng bị dột nhiều chỗ.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực TƯ Đề án KCH, tính đến nay, đã triển khai xây dựng được 87.767 phòng học, đạt tỷ lệ 61,7% so với kế hoạch cả giai đoạn. Trong đó số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 74.580 phòng; Số phòng học đang xây dựng là 13.187 phòng. Số nhà công vụ giáo viên (CVGV) đã triển khai xây dựng là 22.835 phòng, đạt tỷ lệ 40,3% so với kế hoạch cả giai đoạn. Trong đó số phòng CVGV đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 20.939 phòng; Số phòng công vụ đang xây dựng là 1.896 phòng.
Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán Nhà nước, việc đầu tư triển khai xây dựng Đề án KCH giai đoạn 2008-2012 là cần thiết và có hiệu quả. Nhờ có Đề án KCH đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT tại các địa phương, giảm bớt khó khăn về thiếu phòng học, dần xóa bỏ tình trạng học 3 ca, phòng học tạm, tranh tre, nứa lá; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong vùng có chỗ học hành và sinh hoạt khang trang, hiện đại, tạo lập niềm tin cho thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, khuyến khích học sinh đến trường, làm thay đổi bộ mặt tại các địa phương; gây dựng niềm tin cho nhân dân trong vùng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định xã hội…
Nhiều địa phương đã huy động tốt vốn đối ứng và xã hội hóa để thực hiện Đề án KCH
Đó là đánh giá chung nhất phạm vi cả nước của đoàn kiểm toán Nhà nước sau đợt kiểm toán Đề án KCH trong năm 2010. Trên thực tế, nhiều địa phương đã coi việc triển khai xây dựng Đề án KCH là cơ hội để cải tạo cơ sở vật chất các nhà trường, cải thiện đời sống, chỗ ở sinh hoạt của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của địa phương. Phú thọ là một điển hình.
Địa phương này đã nỗ lực chuẩn bị quỹ đất, vốn đối ứng và các nguồn lực khác từ xã hội để triển khai thực hiện Đề án KCH. Sự đổi thay nhanh chóng bộ mặt cơ sở vật chất trường lớp học tại huyện Thanh Sơn có lẽ sẽ làm cho ai đó đi xa lâu năm chưa trở lại thăm sẽ không nhận ra vùng quê này. Bởi lẽ, cùng với các công trình sử dụng nguồn vốn xây dựng trung tâm cụm xã của Chính phủ, nơi đây, các công trình nhà lớp học và nhà CVGV mới được Đề án KCH xây dựng to đẹp đã tạo nên bộ mặt mới cho các xã huyện miền núi khó khăn này.
Cô Nguyễn Thị Lợi, hiệu trưởng trường THCS Võ Miếu, Thanh Sơn cho biết: trường thuộc địa bàn một xã trung du miền núi, dân cư thưa thớt và phân tán, có rất ít giáo viên bản địa. Hầu hết trên 30 giáo viên của trường được điều động từ xa về nhận công tác. Nhu cầu nhà CVGV trở thành vấn đề bức xúc đối với các giáo viên. Trước đây, trường phải tận dụng một căn nhà cấp 4 (được xây dựng từ năm 1978) đã xuống cấp, không đủ điều kiện làm phòng học để tu sửa tạo thành 6 phòng ở cho các giáo viên nội trú. Có phòng có đến 4-5 cô ở rất chật chội, chỉ lo nhà đổ tường, sập mái trong những ngày mưa bão.
Năm 2008, nhà trường được hưởng lợi từ Đề án KCH 10 phòng CVGV thu xếp chỗ ở cho 17 giáo viên ở nội trú. Giáo viên Bùi Thị Minh giảng dạy tại trường nhận định, nhà công vụ của Nhà nước trang bị cho giáo viên tương đối đầy đủ các hạng mục cần thiết và khang trang. Trước đây ở nhà tạm, hai vợ chồng chỉ mơ ước được ở một căn nhà vững chãi. Hai anh chị đã có một cháu nhỏ, khi được dọn về ngôi nhà mơ ước, nhà CVGV, cảm thấy rất yên tâm công tác.
Giai đoạn 2008- 2012, tỉnh Phú Thọ đã huy động được trên 658 tỷ đồng vốn địa phương và các nguồn vốn khác, đối ứng và lồng ghép với 562,7 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng 1.951 được phòng học (đạt 57% kế hoạch cả giai đoạn) và 1.152 phòng CVGV (đạt 100%).
Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh được ghi nhận có nhiều cố gắng trong huy động vốn địa phương thực hiện Đề án KCH. Theo kế hoạch được duyệt, tỉnh Bình Thuận được hỗ trợ 229,8 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng 2.346 phòng học và 274 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên. Vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 60% tổng nhu cầu xây dựng Đề án, tỉnh Bình Thuận phải đối ứng 40% tổng vốn thực hiện, tương đương 153,2 tỷ đồng. Kết quả thực hiện Đề án, Bình Thuận đã đối ứng khoảng 565 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, vượt kế hoạch vốn sấp xỉ 370%. Tỉnh đã xây dựng được 1.677 phòng học và 20 phòng công vụ cho giáo viên.
Các tỉnh, thành phố khác đã thực hiện tốt việc bố trí ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa tham gia thực hiện Đề án đảm bảo cơ cấu các nguồn vốn đúng qui định và vượt kế hoạch như: Bắc Giang, Điện Biên, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị, Thừa Thiên Huê, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Cần tiếp tục đầu tư CSVC cho các trường học
Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án KCH, nhìn chung, các địa phương cả nước đã ưu tiên danh mục đầu tư đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Ưu tiên đầu tư xây dựng các phòng học cho mầm non năm tuổi, nhà công vụ giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn. Đại đa số các phòng học mới xây dựng được thực hiện theo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng ban hành, đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững và các tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng theo quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các trường phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới trường học ở các địa phương. Các nguồn vốn đầu tư (đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) về cơ bản được các địa phương quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng thất thoát vốn đầu tư.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2012 do biến động về giá cả nên tổng mức đầu tư xây dựng các phòng học tăng cao, nhiều địa phương khó khăn trong việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa nên không thể đầu tư xây dựng hết số phòng theo kế hoạch của Đề án KCH. Tại nhiều địa phương trên cả nước còn rất nhiều GV và HS vẫn phải học và ở nhà tạm dột nát do hết vốn chưa được đầu tư xây dựng phòng học.
Cơ sở vật chất của cụm trường THCS-Tiểu học xã A Lù của huyện Bát Xát tỉnh Lào lẽ là một trong các điển hình về tạm bợ và dột nát. Toàn trường THCS A Lù có 4 phòng học thì toàn bộ đều là nhà tranh tre nứa lá dột nát.
Cụm trường này có 40 giáo viên ở xa được điều chuyển về đây giảng dạy nên toàn bộ những giáo viên này đều ở nhà công vụ tại trường. Khu nhà công vụ tại đây đều là nhà tranh tre, nứa lá hoặc nhà tạm vách đất lợp tấm lợp xi măng. Bên cạnh đó là dãy nhà bán trú của hơn 120 học sinh năm học vừa qua cũng là nhà tre nứa dột nát. Tất cả các em tại đây đều phải tự nấu ăn trong khu bán trú. Được biết, cụm trường THCS-Tiểu học xã A Lù nằm trong danh mục đã được phê duyệt của Lào Cai trong Đề án KCH giai đoạn 2008-2012 nhưng do hết vốn chưa kịp khởi công xây dựng.
|
Dãy phòng học tạm và dột nát của THCS xã A Lù, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Ảnh, gdtd.vn |
Một trường điển hình khác do hết vốn chưa được xây dựng là Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên tỉnh Lào cai. Trường nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt của Đề án KCH giai đoạn 2008-2012, theo kế hoạch, năm 2011 sẽ khởi công xây mới một 8 phòng học. Do vậy, đầu năm 2011, do xuống cấp, trường đã phá dỡ một dãy nhà cấp 4 để thực hiện san nền chuẩn bị mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, sau phá dỡ và san nền, dự án phải ngừng khởi công do nguồn vốn của Đề án phân bổ về cho Lào Cai đã hết. Gói thầu san nền trị giá trên 250 triệu đồng này được địa phương thực hiện bằng nguồn vốn Ngân sách địa phương. Trong thời gian đó, nhà trường đã xây dựng 3 phòng học tranh tre nứa lá để học tạm. Trong năm học 2011-2012 nhà trường phải xây dựng thêm 2 phòng học tạm.
Trường là Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt Chuẩn quốc gia từ năm 2001; Do chưa được xây mới các phòng học mới, nên trường không thể thực hiện giảng dạy 2 buổi/ngày đã ảnh hưởng đến mục tiêu chung PCGDTHĐĐT cấp độ 2 của thị trấn Phố Ràng. Bởi theo quy định, phải đảm bảo 50% số HS Tiểu học trên địa bàn được học 2 buổi/ngày mới được công nhận PCGDTHĐĐ cấp độ 2.
Tính đến nay, số phòng học đã được đầu tư xây dựng theo Đề án KCH đạt 61,7% kế hoạch cả giai đoạn, còn khoảng 55.000 phòng chưa được đầu tư xây dựng với tổng nhu cầu vốn 22.000 tỷ đồng (tính suất đầu tư trung bình cả nước hiện 400 triệu đồng/phòng); Số nhà CVGV đã đầu tư xây dựng đạt tỉ lệ 40,3%, còn khoảng 33.000 phòng CVGV chưa được đầu tư xây dựng với tổng nhu cầu vốn ước khoảng 4.950 tỷ đồng. Tính chung, số vốn để hoàn thành kế hoạch doanh mục của Đề án KCH giai đoạn 2008-2012 còn khoảng 26.950 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, nhu cầu cần được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học còn rất lớn. Cả nước còn khoảng 76.000 phòng học bị ảnh hưởng thiên tai, phòng học nhờ mượn với nhu cầu vốn là 30.400 tỷ đồng; 64.580 phòng bộ môn, thiết bị; 74.120 phòng hiệu bộ; 18.710 phòng đa năng; 17.393 phòng thư viện; 18.322 phòng y tế học đường. Tổng số nhu cầu vốn ngoài danh mục Đề án Kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2008-2012 là 129.978 tỷ đồng.
Theo Bá Hải/GD&TĐ Online