Vừa qua, một trò lừa đảo mới đã xuất hiện với chiêu trúng thưởng điện thoại Nokia E71 đã tung hoành trên điện thoại "hành" khách hàng giống như một cái bẫy. Không ít người đã tin rằng mình trúng được những giải thưởng giá trị chỉ bằng cách nhắn tin. Nhưng, chẳng những giải thưởng không thấy đâu mà tiền mất và ôm theo sự bực mình.
Theo anh C., phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Một ngày, anh bỗng nhận được một tin nhắn từ số điện thoại 01258349422 với nội dung hấp dẫn đến "lịm tim": "Chúc mừng bạn đã sở hữu chiếc Nokia E71. Thời gian sở hữu phần quà bắt đầu được tính. Thông tin chi tiết xem tại trang web 123ptgo.com/pt".
Anh C. không tin vào mắt mình, phải nhờ người bạn đọc lại xem có chính xác là mình đã trúng thưởng hay không. Một tin nhắn tiếp tục gửi đến có nội dung: "Trò chơi sẽ bắt đầu 8h sáng thứ hai hằng tuần kết thúc và công bố giải thưởng 8h sáng thứ 2 tuần kế tiếp. Điện thoại hỗ trợ 1900.56.15.29".
Sau khi truy cập trang web theo hướng dẫn của tin nhắn, anh C. chỉ thấy đây là một trang web đơn giản mang tên Tranh quà, nội dung quảng cáo giải thưởng là chiếc điện thoại thời thượng E71 bằng cách soạn tin nhắn có các cấu trúc MAX, BUM… gửi đến số điện thoại 8729. Mỗi tin nhắn phí 15.000 đồng...
Nghĩ rằng mình đã sở hữu chiếc điện thoại đắt tiền, mất thêm vài đồng tiền tin nhắn không đáng gì, anh C đã soạn tin đúng cú pháp như trang web hướng dẫn gửi đi thì nhanh chóng được nhận tin nhắn giống như "sét đánh ngang tai" thông báo: "Số điện thoại 0977701224 đã nhắn tin cướp mất chiếc điện thoại E71 của bạn. Thời gian sở hữu chiếc điện thoại của bạn là 7s. Soạn tin nhắn BUM gửi đến 8729 để lấy lại phần quà".
Anh C. đã chủ động nhắn tin lại số điện thoại 8729 và 8029 thông báo rằng đây là số điện thoại của một cơ quan. Tuy nhiên, các tin nhắn vẫn dội đến theo kiểu tấn công và lôi kéo bằng được anh C. tham gia. Phần thưởng không thấy đâu nhưng số tin nhắn ứng với số tiền gửi đi anh C. mất không phải là ít.
Không chỉ riêng anh C, rất nhiều bạn đọc cũng đã điện thoại đến đường dây nóng Báo CAND phản ánh tình trạng thường xuyên nhận được các tin nhắn trúng thưởng vô bổ như trúng giải thưởng là bộ ảnh gợi cảm, bộ ảnh áo bikini... Điều kiện để có giải thưởng đều phải soạn tin nhắn đến các số 8XXX.
Bản thân số điện thoại của người viết bài cũng thường xuyên nhận được các loại tin nhắn như "Số điện thoại được gửi tặng một album ảnh gợi cảm trong trang phục áo tắm. Tải về soạn tin nhắn I gửi đến số điện thoại 87…". Có nhiều người đã mất hàng trăm nghìn cho tin nhắn bẫy giải thưởng kiểu như thế này và các công ty kinh doanh dịch vụ này hốt bạc tỷ chỉ trong thời gian ngắn.
Ngày 9/2, quy định tại Thông tư số 12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu có hiệu lực có nghĩa là tất cả các tin nhắn, thư quảng cáo đều phải gắn nhãn mác, có tiêu đề do cơ quan quản lý cấp cho doanh nghiệp quảng cáo. Cũng theo quy định đó thì người gửi tin nhắn quảng cáo có trách nhiệm chỉ được phép gửi thư điện tử hoặc tin nhắn quảng cáo sau khi người nhận đồng ý về dịch vụ đó. Tuy nhiên, hiện nay, để "lách" quy định này, cũng do tình trạng sim khuyến mãi cực rẻ, tình trạng quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều công ty này đã sử dụng sim khuyến mãi giá rẻ kết nối với máy tính và dùng phần mềm cùng lúc gửi tin nhắn rác tới khách hàng với số lượng lớn.
Đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối Chống thư rác là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết: Các sim trả trước mà các công ty sử dụng gửi tin nhắn đến khách hàng đều phải kết nối với máy tính và dùng phần mềm để gửi tin nhắn tốc độ cao. Nếu sử dụng biện pháp nghiệp vụ sẽ xác định được đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, nội dung tin nhắn mặc dù được gửi đi từ một thuê bao cá nhân nhưng tin nhắn này lại gắn liền với một đối tượng thị hưởng cụ thể. Ví dụ như đề nghị gửi vào các đầu số cụ thể 87XX, 80XX… nên dễ dàng xác định được đơn vị đang khai thác đầu số đó để xử lý
Theo CAND