Cập nhật: 27/04/2009 23:56:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phòng trừ rầy nâu bằng nấm ký sinh là đề tài khoa học do PGS. TS. Trần Văn Hai, Bộ môn Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện trên diện tích 278ha. Qua sơ kết đánh giá mô hình thấy, cách làm này mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, quy trình nhân nuôi nấm xanh (metarhizium Anisopliae) để phòng trừ rầy nâu rất dễ thực hiện; góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức của nông dân từ sử dụng thuốc hoá học sang hướng sinh học, có khả năng khắc phục hiện tượng tái bộc phát rầy nâu ở lứa sau.

 

Để sản xuất nấm xanh bà con chuẩn bị các dụng cụ sau: bọc nylon, co ống nước, gòn, băng keo, nồi nhôm và chất đốt dùng hấp môi trường nuôi cấy chế phẩm, nấm metarhizium Anisopliae gốc do Bộ môn Bảo vệ thực vật cung cấp. Quy trình sản xuất trải qua 3 bước: chuẩn bị môi trường gạo nuôi cấy nấm, hấp khử trùng, chủng nấm vào môi trường gạo.

 

Theo kết quả thu thập 38 mẫu xác rầy nâu tại hai xã Hồ Đắc Kiện, Long Hưng (huyện Mỹ Tú), nấm xanh chiếm ưu thế nhất với tỷ lệ rầy chết 52,6%; ở các xã Châu Hưng, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh (Thạnh Trị) rầy nâu chết 42,4%; xã Tân Hưng, Đại ân (Long Phú) rầy nâu chết 46,2%... Như vậy, bình quân nấm ký sinh gây chết rầy nâu là 47%.

 

PGS. TS. Trần Văn Hai đánh giá: Phòng trừ rầy bằng nấm xanh có thể giảm chi phí sản xuất so với thuốc hoá học, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, sức khoẻ cộng đồng, giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác. Anh Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng (Long Phú) nói: “Chi phí phòng trừ rầy nâu bằng nấm xanh chỉ khoảng 100.000 đồng/ha/lần, còn ruộng phun thuốc hoá học là 500.000-600.000 đồng. Như vậy sử dụng nấm xanh trừ rầy tiết kiệm tới 400.000-500.000 đồng/ha/lần”. Xác cơm sau khi sử dụng lần đầu cho vào bọc nylon để trong bóng râm nơi thoáng mát, hằng ngày đảo đều để hạt cơm tơi ra, sau một tuần nấm xanh sẽ phát triển và có thể sử dụng để phun ngoài đồng. Hoặc nấm cấp 2 (nông dân sản xuất) sẽ cấy truyền cho ra nấm cấp 3, chi phí sản xuất giảm 50% so với cấy nấm cấp 1. Ông Bùi Thanh Toàn ở ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh (Long Phú) cho biết: “Giá thành nấm xanh do nông dân sản xuất cấy từ giống cấp 1 là 17.000 đồng/bọc chế phẩm, cấy từ giống cấp 2 là 10.500 đồng”.

 

Kết quả phòng trừ rầy nâu bằng nấm ký sinh ở ngoài đồng ruộng Sóc Trăng cho thấy, mật số rầy nâu trên ruộng sử dụng chế phẩm nấm xanh giảm nhanh sau 7 ngày phun xịt và tiếp tục giảm dần đến 28 ngày sau khi phun. Ngược lại, ruộng có sử dụng thuốc hoá học, mật độ rầy nâu cũng giảm đến 14 ngày sau khi phun. Nhưng sau thời điểm này, mật số rầy nâu trên ruộng sử dụng thuốc hoá học tăng trở lại tại thời điểm 21 ngày sau khi phun. Hiện, ngành nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đang tiến hành nghiên cứu và nhân rộng mô hình để diệt trừ hiệu quả rầy nâu, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn.

 

Theo KT nông thôn

Tệp đính kèm