Cập nhật: 01/06/2009 17:31:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày qua, khi nông dân và cán bộ BVTV ở 4 tỉnh phía Bắc cùng nhau ra đồng lo phòng trừ dịch hại rầy nâu nhỏ (rầy xám) với mối hiểm hoạ theo đánh giá ban đầu của ngành BVTV sẽ cực kỳ nguy hiểm thì Chi cục BVTV ở các tỉnh vùng lúa ĐBSCL bắt đầu lo ngại, khuyến cáo nông dân năng ra đồng theo dõi diễn biến sâu bệnh dịch hại, bảo vệ lúa hè thu.

Nông dân một số địa phương ở ĐBSCL đến nay vẫn chưa thể lơ là trước dịch bệnh từng gây hại nhiều vùng lúa xác xơ vì rầy nâu gây bệnh là thất bát cả vụ. Nhìn lại sau 3 năm liền (2006-2008) ĐBSCL vào cuộc dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (RN, VL-LXL), ngày 23/5/2009 vừa qua các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ cùng với cán bộ BVTV các tỉnh ĐBSCL đã phân tích, đúc kết những giải pháp và kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch RN, bệnh VL-LXL.

 

GS Nguyễn Thơ nói: “Năm 2006 khi đại dịch RN bùng phát và theo sau đó là bệnh VL-LXL, nông dân mang thuốc trừ rầy ra đồng phun xịt rất nhiều nhưng không diệt được hết rầy. Bộ NN&PTNT lập tức huy động tổng lực tập trung chống dịch. Thế nhưng lúc đầu vẫn chưa có giải pháp trừ sâu rầy rõ ràng, chủ yếu dùng biện pháp phun thuốc hoá học là chính. Nhà nước hỗ trợ thuốc. Thế rồi dần dần về sau lần lượt các biện pháp tổng hợp khác như: gieo sạ tập trung né rầy, giảm mật độ gieo sạ, giảm lượng phân bón, phân đạm, dùng mức nước cao để chắn rầy… đã dần dần “bắt mạch” khống chế được dịch bệnh”.

 

Từ giải pháp quản lý dịch hại ban đầu phụ thuộc vào thuốc hóa học dần dần chuyển sang quản lý dịch hại theo hướng thân thiện với môi trường, giảm dùng thuốc hóa học đã cho thấy có nhiều cách làm hay, ấn tượng. Mô hình né rầy ở Cai Lậy (Tiền Giang) quản lý dịch hại theo IPM/ICM, “ba giảm ba tăng” trên cơ sở gieo sạ né rầy đã thắng lợi lớn trên diện rộng hàng chục ngàn héc ta và liên tục được mùa suốt 8-9 vụ lúa trong 3 năm.

 

Kế đến là ở vùng đất ven biển bằng cách nào không dùng thuốc hoá học mà vẫn bảo vệ mô hình tôm-lúa, tỉnh Sóc Trăng kiên trì qua nhiều năm sử dụng thành công chế phẩm sinh học nấm trắng (Beauveria sp), nấm xanh (metarhizium sp) để trừ RN; dùng chế phẩm sinh học Amio-50 để làm tăng tính kháng của cây lúa đối với bệnh do virus thay vì dùng thuốc hóa học trên diện rộng như trước đây. Chuyển bước tiếp theo Sóc Trăng đã chuyển giao kỹ thuật cho cộng đồng nông dân tự sản xuất các chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại. Hiện nay một số tỉnh như Trà Vinh, An Giang, TP Cần Thơ cũng đã dùng chế phẩm sinh học thành công trong quản lý dịch hại RN.

 

Bên cạnh đó, các mô hình IPM cộng đồng của FAO đã thực hiện trên 7 tỉnh ở ĐBSCL trong vụ hè thu năm 2007, thời điểm đang diễn ra dịch hại nghiêm trọng.  Kết quả cho thấy hầu hết các mô hình nông dân “tự quản” dịch hại sử dụng theo các biện pháp canh tác như gieo sạ né rầy, sạ thưa, bón phân cân đối, hạn chế phân đạm... đều trúng mùa, ngay cả khi dùng giống nhiễm rầy.

 

Từ kết quả các mô hình phòng trừ dịch RN, bệnh VL-LXL được thực hiện lặp lại nhiều vụ lúa trên diện rộng, Cục BVTV đã xác định hướng chỉ đạo phòng chống dịch theo các biện pháp: gieo sạ đồng loạt né rầy, theo dõi điều kiện sinh thái, quản lý đồng ruộng để đưa ra biện pháp đúng và tổ chức cộng đồng nông dân tự quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Qua đợt vào cuộc chống dịch, các nhà khoa học chuyên ngành BVTV còn nghiên cứu các giải pháp mới như: quản lý tổng hợp thành phần sinh vật trong hệ sinh thái cây lúa nước ở ĐBSCL; kỹ thuật “Né rầy-ôm nước”; quản lý RN hại lúa bằng biện pháp sinh học, sơ tuyển các hóa chất có khả năng kích thích tính kháng bệnh lưu dẫn đối với bệnh VL-LXL trên lúa.

 

GS Nguyễn Thơ: “Những mặt hạn chế có thể nhận ra trong thực tế sản xuất hiện nay có quá nhiều giống lúa, có hiện tượng mất cân đối giữa các giống lúa kháng và nhiễm rầy, nhiễm bệnh virus. Nông dân còn  sử dụng giống lúa tự phát.

 

Trong việc gieo sạ tập trung né rầy không phải địa phương nào cũng thực hiện được, do một số vùng không chủ động được nguồn nước. Dù biện pháp “ba giảm ba tăng” cho thấy lợi ích, nhưng nông dân một số nơi vẫn còn tập quán gieo sạ dày, bón phân đạm nhiều. Trong dùng thuốc BVTV dù có khuyến cáo theo “4 đúng” nhưng tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu vẫn xảy ra…”

 

Một nghiên cứu khác của trường ĐH Cần Thơ và Viện lúa ĐBSCL về tình hình sản xuất lúa và quản lý RN của nông dân trong năm 2008 khảo sát tại 4 tỉnh ở ĐBSCL có điều kiện canh tác khác nhau trên 480 hộ nông dân nhằm tìm ra hiện trạng, cơ hội và khó khăn của nông dân đang đối mặt. Kết quả dưới áp lực dịch RN bệnh VL-LXL tất cả các địa phương trong vùng khảo sát làm lúa 3 vụ đều bị dịch bệnh gây hại nghiêm trọng ở vụ lúa thứ 3.

 

Chi phí phòng trị RN rất lớn, phần lớn nông dân phun thuốc 3-7 ngày/lần, thậm chí có hộ phun thuốc trừ sâu tới 10 lần/vụ. Theo kết quả khảo sát, nông dân ở Long An, Đồng Tháp làm lúa vụ 3 với diện tích lớn dùng máy phun thuốc trừ sâu với lượng phun rất lớn 220 lít/4.000m2 tương đương 55 lít/1.000m2. Nhiều nông dân thừa nhận đã “tắm thuốc” BVTV từ ngọn xuống gốc, hiệu quả tuy đạt 60-95% nhưng chỉ ít ngày sau lại thấy tái xuất hiện rầy cánh dài, rầy cám.

 

Điều này cho thấy trong các biện pháp phòng chống dịch RN, bệnh VL-LXL vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và không phải địa phương nào cũng có thể áp dụng được. Vì vậy từ bài học 3 năm chống dịch RN, bệnh VL-LXL vẫn còn tiếp tục đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong thời gian tới làm thế nào nông dân làm lúa không còn bấp bênh...

 

 

 

Theo NNVN

Tệp đính kèm