Cập nhật: 08/06/2009 21:38:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điện thoại càng cao cấp thì càng dễ bị nhái. Công nghệ làm nhái  xuất phát từ Trung Quốc với độ "nguyên bản" gần như 100%. Bạn chỉ có thể phân biệt được dựa trên kinh nghiệm sử dụng và một số đặc điểm nhận dạng gần như không rõ ràng.

Với những tên hiệu điện thoại nổi tiếng trên, bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng tại Đặng Dung, "phố điện thoại di động" của Hà Nội.

 

Nơi đây tập trung gần như tất cả những mẫu điện thoại lưu hành trên thị trường Việt Nam hiện nay.

 

Tất nhiên trong số đó không thiếu gì những mẫu điện thoại nhái hoặc giả mạo. Nếu không rành về điện thoại, tốt nhất bạn nên nhờ người có hiểu biết về điện thoại tư vấn trước khi đặt chân tới đây, bởi nếu không nguy cơ bạn mua vào hàng giả… giá cao.

 

Thật - giả khó lường

 

 

Goldvish nhái

 

Cầm trên tay 2 chiếc điện thoại iPhone mới tinh, có lẽ bạn cũng như nhiều người không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

 

Ngay cả những người sành điện thoại cũng chỉ phân biệt chúng bằng cảm giác và dựa trên một số kinh nghiệm sử dụng.

 

Tại Hà Nội đã xuất hiện những chiếc iPhone giả. Theo các chuyên gia, chúng giống phiên bản thật tới 99%. Chiếc iPhone giả được dập khuôn y hệt, từ màn hình, cơ chế điều khiển, vỏ máy, camera, các dòng chữ, logo in trên thân máy…

 

Cũng theo những người trong nghề, việc phân biệt iPhone thật-giả rất khó khăn, và chủ yếu là dựa vào mắt thường. Việc phân biệt iPhone thật - giả chủ yếu dựa trên 3 đặc điểm: font chữ (font chữ của iPhone thật nét hơn), khay SIM (iPhone thật có khay SIM đẩy ra) và dây nối tiếp (xung quanh các vị trí này trên iPhone thật không có khung kim loại).

 

Không chỉ iPhone, những chiếc điện thoại cao cấp mới xuất hiện trên thị trường như Nokia E75 cũng có phiên bản giả mạo. Tất nhiên, việc đưa ra cách nhận dạng cho tất cả các mẫu điện thoại trên thị trường hiện nay là điều không thể trong khuôn khổ bài viết này.

 

Chúng tôi chỉ đưa ra cách nhận dạng cơ bản và cốt lõi (thường đúng trong mọi trường hợp), đó là hàng thật bao giờ trông cũng sắc sảo hơn, có đường nét, chi tiết rõ ràng và được thiết kế một cách cẩn thận (kiểu chữ, các chi tiết nhỏ…).

 

 

Louis Vuitton nhái

 

Có một cách phân biệt khác là dựa vào pin điện thoại. Với dòng pin Nokia, bạn cần chắc rằng nó có logo 3 chiều (hình 2 bàn tay bắt nhau) khi nhìn ngang. Phần cạnh của pin thật thường rất chắc chắn.

 

Còn pin giả, nếu bạn bóp vào cạnh pin, phần giấy bọc sẽ nhanh chóng bị nhàu và có nếp gấp. Còn đối với pin Samsung, bạn nên quan sát màu sơn trên pin.

 

Pin thật có màu sơn chiều sâu hơn và không quá bóng bẩy như pin giả. Ngoài ra, chữ in trên pin thật cũng sắc nét và rõ ràng hơn. Các loại pin của Sony Ericsson, Motorola… cũng phân biệt giống như pin Nokia, đó là dựa trên tem hình 3 chiều.

 

Lợi bất cập hại

 

Rẻ chính là lợi thế mạnh nhất của điện thoại nhái. Đây cũng là mặt hàng mà những người có túi tiền eo hẹp nhưng thích sành điệu quan tâm nhiều nhất. Ngoài yếu tố rẻ ra, điện thoại nhái thường có rất nhiều mẫu mã, được thiết kế bóng bẩy nên thu hút sự chú ý của đối tượng sử dụng bình dân.

 

Chỉ với giá chưa  tới 100 đô la, bạn đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại iPhone nhái, trong khi giá iPhone thật giá trên 700 đô la. Tuy nhiên, hầu hết người dùng đều không biết rằng những chiếc điện thoại nhái đang ẩn chứa các nguy cơ "chết người", đó là cháy nổ, nhiễm xạ…

 

Rất nhiều các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cảnh báo rằng điện thoại giả có nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao bởi chúng sử dụng pin rẻ tiền, rất dễ cháy nổ.

 

Ngoài ra, mức độ bức xạ từ các sản phẩm này thường vượt quá giới hạn cho phép, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe lâu dài của con người. Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều vụ cháy nổ điện thoại mà hầu hết các trường hợp đều bị thương hoặc thiệt mạng.

 

Giá một chiếc iPhone 3G 16GB bán tại thị trường Việt Nam là trên 700 đô la, nhưng nếu là hàng nhái với mức giá chỉ khoảng 100 đô la. Tương tự, chiếc Nokia E75 giá chính hãng (tại Việt Nam) là 500 đô la nhưng phiên bản rởm chỉ có trên 100 đô la mà lại có 2 SIM 2 sóng.

 

Những chiếc điện thoại siêu sang như Goldvish, Vertu (giá hàng trăm triệu đồng), nhưng nếu là hàng nhái thì chỉ khoảng… 200 đô la.

 

Nếu bạn muốn tham khảo giá các mẫu điện thoại "nhái", có thể xem trên website http://www.china-phone.org (Trung Quốc). Tại đây, bạn có thể tìm thấy gần như tất cả những tên tuổi điện thoại siêu sang trên thị trường hiện nay với giá cao nhất chưa tới 350 USD.

 

 

Theo TP

Tệp đính kèm