Cập nhật: 11/06/2009 22:23:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

- Để nhận biết quần áo có chứa nhiều hàm lượng phóc - môn (formaldehyde), một loại chất có thể gây ung thư ở người không dễ vì đây là chất khí không màu. Tuy nhiên, vẫn có thể biết được thông qua mùi hăng hăng như mùi hạt cải của formaldehyde lẫn trong quần áo.

Độc chất gây ung thư có nhiều trong vải rèm, thảm

 

Thông tin về việc gần 47% sản phẩm may mặc của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chứa hàm lượng phóc - môn, một tác nhân gây ung thư trong những ngày gần đây khiến nhiều người, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ lo lắng. Từ lâu, thị trường quần áo, vải, giày ở miền Bắc nước ta đều được các chủ hàng “đánh” từ Quảng Đông và các tỉnh lân cận về Việt Nam, sau đó mới phân ra các loại hàng cao cấp và thứ cấp, trong đó có khá nhiều quần áo trẻ em.

 

Phỏng vấn nhanh của PV Báo GĐ&XH với các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo trên địa bàn TP Hà Nội đa số họ đều cho rằng những thông tin trên đã khiến nhiều người “tẩy chay” mua quần áo trẻ em của Trung Quốc. Cẩn thận hơn, một số bậc cha mẹ còn bỏ vào thùng rác toàn bộ những quần áo Made in China đã mua trước đó.

Tuy nhiên, theo TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hoá, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, việc loại bỏ quần áo đã mặc có xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc vì e sợ hít phải phóc -  môn là không cần thiết và lãng phí. Vì độc chất này chỉ gây hại khi áo quần, vải vóc còn mới. Hơn nữa, hàm lượng phóc -  môn tồn dư trong nhóm vải dành cho trẻ em thấp hơn nhiều so với các nhóm vải khác, trong đó, nhiều nhất là nhóm vải trang trí nội thất, rèm cửa.

 

Tiêu chuẩn Ecotech 100 về an toàn sinh thái dệt may được áp dụng ở các nước châu Âu về hàm lượng phóc -  môn tồn dư được chấp nhận ở trong vải cũng thể hiện nhóm vải trang trí nội thất như: rèm cửa, thảm, đệm bọc, ga có hàm lượng formaldehyde được cho phép cao nhất: 300 ppm (phần triệu). Thấp nhất là nhóm vải dành cho trẻ em: 20 ppm và nhóm vải mặc trực tiếp với da như đồ lót là 75 ppm. Như vậy, hàm lượng phóc -  môn tồn dư được chấp nhận ở trong nhóm vải rèm cửa, thảm, đệm bọc có tỷ lệ cao gấp 15 lần so với hàm lượng được cho phép trong quần áo trẻ em.

 

Nguy hiểm nhưng có thể xử lý được

 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, phóc -  môn được sử dụng trong sản xuất nhựa, áo mưa, công đoạn hồ trong ngành dệt và điều chế các hoá chất công nghiệp. Nó cũng được xem là chất khử trùng và bảo quản hiệu quả. Tuy nhiên, tác hại của độc chất này được coi như một tác nhân gây ung thư, thường có biểu hiện gây bệnh ở mũi, miệng.

 

Cụ thể hơn, TS Trần Hồng Côn cho rằng, phóc -  môn hay được sử dụng để ướp xác các mẫu động vật trong nghiên cứu vì nó có chức năng tiêu diệt tế bào và tiêu diệt vi sinh vật. Riêng với ngành dệt may, phóc -  môn thường được sử dụng với mục đích chống mốc và vi sinh vật khi vận chuyển.

 

Để nhận biết hàm lượng phóc -  môn có trong quần áo, vải vóc, TS La Thế Vinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng chỉ có thể thực hiện nhờ các phương pháp kiểm tra qua dung dịch do mùi hắc đặc trưng của hóa chất này vẫn có thể bị lẫn với các loại hóa chất khác như: Hồ vải, nhuộm màu vải hay giữa các loại chất liệu vải khác nhau.

 

Tuy nhiên, theo TS Trần Hồng Côn với những người đã từng ăn tương hạt cải thì có thể nhận ra được quần áo, vải vóc có nhiều hàm lượng phóc -  môn vì phóc -  môn tuy là một chất khí không màu nhưng có mùi hăng hăng giống hệt như mùi tương hạt cải. Ở nồng độ thấp, phóc -  môn có thể gây phồng rộp giác mạc, kích ứng mũi và họng, có khả năng gây chảy nước mắt, hắt hơi và ho. Ở nồng độ cao, phóc -  môn có thể gây cảm giác buồn nôn và khó thở.

Cũng theo TS Trần Hồng Côn, mặc dù phóc -  môn có trong quần áo, vải vóc gây nguy hại đến sức khoẻ người sử dụng, nhưng phóc -  môn là chất bay hơi trong không khí và cực kỳ dễ tan trong nước. Vì vậy, quần áo, vải vóc mới mua về chỉ cần giặt qua vài lần nước thì gần như phóc -  môn đã bị tan hết. Riêng với những gia đình sử dụng nhiều rèm vải trong phòng kín, TS Côn khuyên nên thường xuyên ngâm giặt và mở cửa phòng để độc chất bay hơi trong không khí.

 

 

Theo Giadinh.net

Tệp đính kèm