Không chỉ mở ra triển vọng mới trong bảo tồn nguồn gene thông đỏ (loài cây rừng quý hiếm trong sách đỏ thế giới), việc nhân giống thành công loài cây này trong ống nghiệm còn tạo cơ hội vàng để điều chế thuốc chữa trị ung thư tại Việt Nam.
Các nhà khoa học đã trèo đèo, lội suối trên sườn núi với độ cao 1.500m ở rừng sâu Lâm Đồng để hái lá cây thông đỏ cổ thụ đưa về phân tích xem có hoạt chất 10 – DB III để sản xuất Taxol (nguyên liệu điều chế thuốc chữa trị ung thư) hay không; sau đó lấy chồi trên chính cây thông này về làm vật liệu nghiên cứu nhân giống.
Sở dĩ phải công phu như thế bởi trong quần thể thông đỏ chỉ có một số cá thể cho loại hoạt chất quý hiếm này.
Với khát vọng hạ giá thành thuốc chữa trị ung thư, đoàn giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ của một số viện nghiên cứu khoa học và Hội Ung thư Việt Nam đang cùng một doanh nghiệp lập dự án trồng 50ha thông đỏ tại Lâm Đồng để có nguyên liệu chiết xuất Taxol ở nước ta.
Những mẫu chồi lấy từ cây mẹ được bảo quản trong bao nilon hàn kín lại để tránh hiện tượng thoát hơi nước nhằm giữ cho chồi được tươi. “Việc chọn môi trường nuôi cấy phù hợp là rất khó khăn bởi ở Việt Nam, có rất ít những nghiên cứu trên đối tượng này.
Qua tham khảo nhiều tài liệu vi nhân giống cây thân gỗ trong và ngoài nước, chúng tôi đã lựa chọn và tiến hành nghiên cứu nhân giống đồng thời trong bốn loại môi trường để tìm ra môi trường nuôi cấy phù hợp. Đó là môi trường WPM có bổ sung chất BA để hình thành chồi và bổ sung NAA để tạo rễ” – Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Thành Sum cho biết.
Sau gần hai năm dày công nghiên cứu, đến tháng Sáu năm nay, thông đỏ đã phát triển thành cây hoàn chỉnh trong ống nghiệm trong sự vui mừng khôn xiết của nhóm nghiên cứu gồm tiến sĩ (TS) Đàm Sao Mai, ThS Sum cùng một số nhà khoa học ĐH Công nghiệp TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Lâm Đồng. Một số cây đang được đưa ra trồng thử nghiệm ở môi trường tự nhiên.
Điều chế thuốc chống ung thư tại Việt Nam
Thông đỏ được ghi nhận xuất hiện cách đây khoảng 1.000 – 1.800 năm nhưng chỉ được biết đến như một loại thần dược vào năm 1993 khi các nhà khoa học Mỹ công bố chiết xuất được hoạt chất từ vỏ và lá thông đỏ để sản xuất Taxol chữa trị ung thư.
Giới khoa học Việt Nam cũng nhanh chóng vào cuộc tìm kiếm, phát hiện thông đỏ phân bố ở một vài tỉnh của nước ta nhưng số cây có thể chiết xuất Taxol là rất hạn chế và chỉ có ở Lâm Đồng.
Loại dược liệu quý này chỉ xuất hiện ở một số quốc gia và giá một kilôgam Taxol lên tới hơn một triệu USD nhưng cung vẫn không đủ cầu. Trong tình hình đó và trước thực trạng số lượng cây ít ỏi tìm thấy ở Lâm Đồng chỉ đủ để sản xuất vài chục liều thuốc chữa bệnh, việc trồng thông đỏ để điều chế thuốc là rất cấp bách, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Kết quả khả quan của đề tài nghiên cứu này gây sự chú ý đặc biệt ngay cả đối với các nhà khoa học và doanh nghiệp nước ngoài bởi chỉ có nhân giống vô tính trong ống nghiệm mới có thể tạo ra số lượng lớn cây giống có chất lượng đồng nhất, đồng thời giá cây giống sẽ thấp hơn nhiều so với nhân bằng phương pháp giâm cành, gieo hạt.
TS Trần Khánh Viễn (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) đặt vấn đề hợp tác để sản xuất cây giống, tiến tới lập đồn điền thông đỏ qui mô từ vài chục đến hàng trăm héc ta và điều chế thuốc chống ung thư ngay tại Việt Nam.
Theo TP