Trâu, bò, lợn đều rất thích ăn lá sắn. Nhưng nếu để chúng ăn nhiều sẽ bị ngộ độc vì lá sắn chứa chất độc axit cianhydric, nồng độ cao trên 320 mg/kg lá, vì vậy khi gia súc ăn nhiều sẽ bị ngộ độc nặng, có thể tử vong.
Để làm giảm nồng độ axit cianhydric, người chăn nuôi cần lấy lá sắn đem ủ chua, sau một thời gian từ 70 ngày trở lên sẽ làm giảm nồng độ axit tới mức cho phép là 0,32mg/kg lá, khi đó mới cho gia súc ăn sẽ an toàn tuyệt đối. Lá sắn khi ủ chua cho gia súc ăn rất có lợi cho cơ thể nhất là những con gia súc vừa sinh sản được ăn lá sắn ủ chua sẽ tiết nhiều sữa cho con bú.
Cách ủ chua lá sắn như sau: Cứ 100 kg lá sắn đem về cắt ngắn từ 1,5 đến 2 cm, trộn với khoảng 5 đến 8 kg cám gạo hay bột mỳ. Tuỳ theo số lượng lá sắn, ta đào hố vừa đủ chứa, sau khi trộn lá sắn và cám gạo đều ta rải các lớp lá sắn lên. Cứ 20 cm một lớp, sau đó dùng chân dẫm lên nén thật chặt. Xếp xong các lớp lá sắn, lấp đất đầy trên hố dầm chặt theo kiểu mu rùa. Khoảng nửa tháng sau khi lá sắn xẹp xuống ta đắp đất tiếp theo cho đầy như cũ. Khoảng từ 80 ngày trở lên là lấy lá sắn cho gia súc ăn được. Khi đó lá sắn có mùi thơm gia súc thích ăn, đảm bảo an toàn tuyệt đối
Báo NNVN