Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn là do nạo hút thai không an toàn và có liên quan đến vô sinh thứ phát, cùng nhiều căn bệnh khác... 51% do nữ, 33% do nam, 8% do cả hai và 8% không rõ nguyên nhân, 60% nguyên phát và 40% thứ phát. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo hút thai cao. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nạo hút thai làm tăng nguy cơ vô sinh thứ phát gấp hai lần so với người chưa từng nạo thai.
Trước những yêu cầu về việc điều trị hiếm muộn, tháng 8-1997, Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và xây dựng đơn vị hỗ trợ sinh sản. Ngày 30-4-1998, ba trẻ sơ sinh đã ra đời từ chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực Sản phụ khoa Việt Nam. Ngày 12-2-2003, Chính phủ ra Nghị định số 12 về sinh con theo phương pháp khoa học và Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này. Ðến nay, cả nước có 10 trung tâm hỗ trợ sinh sản, miền bắc có năm, miền trung có một và miền nam có bốn trung tâm, hai trung tâm đang chờ sự phê chuẩn của Bộ Y tế và có hơn 9.000 trẻ em ra đời từ chương trình TTTON. Tại Bệnh viện Từ Dũ, từ ngày 30-4-2008 đến 6-2009 đã có 3.544 cháu; Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ ngày 26-6-2001 đến hết năm 2008 khoảng 2.000 cháu ra đời; Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn từ 7-2001 đến năm 2008 là 1.000 cháu, Học viện Quân y-Bộ quốc phòng từ 2-8-2002 đến năm 2008 là 1.000 cháu, Bệnh viện Trung ương Huế từ 11-2007 đến nay là 50 cháu... Ðến nay, hệ thống TTTON thực hiện một số kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như nuôi cấy tinh tử, chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, hỗ trợ phôi thoát màng, nuôi trưởng thành trứng non, v.v.
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp Bệnh viện Từ Dũ tổ chức Hội nghị Hiếm muộn toàn quốc lần thứ nhất. Tại Hội nghị nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được đưa vào ứng dụng thành công trong các bệnh viện và Trung tâm hỗ trợ sinh sản đã được trình bày. Ðáng chú ý có các đề tài: Kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM) của nhóm bác sĩ do bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Từ Dũ đứng đầu. IVM là quá trình nuôi trưởng thành trứng người bên ngoài cơ thể là giai đoạn túi mầm (GV) đến giai đoạn đầu kỳ giữa (MII). Sau đó trứng MII sẽ được thụ tinh và phát triển thành phôi như bình thường. Với phác đồ TTTON kết hợp với IVM có lợi cho người bệnh là không dùng thuốc kích thích buồng trứng hoặc dùng rất ít, người bệnh không phải mất nhiều thời gian đến bệnh viện tiêm thuốc, siêu âm, xét nghiệm. Nhờ vậy chi phí của phác đồ này thấp hơn, nguy cơ quá kích buồng trứng được loại trừ và thuận lợi hơn. Cho đến thời điểm này, đã có gần 60 em bé TTTON-IVM ra đời tại Việt Nam, như vậy số em bé IVM ra đời tại Việt Nam chiếm hơn 4% số trẻ em trên thế giới được thụ tinh bằng phương pháp này. Ðề tài: Chửa ngoài tử cung trên sẹo mổ lấy thai được xử trí bằng phương pháp giảm thiểu thai kết hợp với Methotrex của Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, TS Nguyễn Viết Tiến và bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bệnh chửa ngoài tử cung trên sẹo mổ lấy thai là bệnh hiếm gặp. Tại Việt Nam chưa có báo cáo nào về chẩn đoán và xử lý chửa ngoài tử cung trên sẹo mổ lấy thai. Người bệnh là chị N.P.A ở Vĩnh Trại (Lạng Sơn), được chuyển từ Bệnh viện Ða khoa Lạng Sơn với chẩn đoán chửa ống tử cung. Tiền sử bệnh án của chị A. đã từng mổ đẻ và ba lần hút thai, khi chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng sức khỏe yếu và đau bụng. Sau khi khám và làm các xét nghiệm lâm sàng, kết quả cho thấy, thai đã được tám tuần nằm ở thành trước eo tử cung (chửa ngoài tử cung) tương ứng với vị trí sẹo mổ đẻ cũ. Bằng phương pháp giảm thiểu thai cho các trường hợp đa thai kết hợp tiêm Methotrex đã giúp người bệnh lấy được khối thai ngoài tử cung an toàn.
Nhiều đề tài khoa học có giá trị khác như: Nghiên cứu kỹ thuật trữ lạnh phôi trong hỗ trợ sinh sản; Ðánh giá kỹ thuật giảm thiểu thai chọn lọc; Tiêu chuẩn một LAB thụ tinh ống nghiệm ở một trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Giá trị của sự phân chia phôi sớm trong kết cục của TTTON của Bệnh viện Hùng Vương; Hỗ trợ hoàng thể trong thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ; Ứng dụng kỹ thuật TTTON để điều trị vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng; Ðiều trị nội khoa vô sinh nam của Bệnh viện Bình Dân; Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của hội chứng buồng trứng đa nang ở các bệnh nhân hiếm muộn tại Khoa phụ sản Bệnh viện Ðà Nẵng; Kỹ thuật thủy tinh hóa của Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn; Nghiên cứu đặc điểm hình thái phôi ngày 2 và tỷ lệ có thai lâm sàng trên bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm của TTCNP-Học viện Quân y, v.v. cũng đang được ứng dụng thành công tại một số bệnh viện, Trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước.
Chương trình hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam ra đời đã hơn 10 năm, có bước phát triển nhanh. Từ việc chẩn đoán và điều trị hiếm muộn bằng phương pháp đơn giản như bơm vòi trứng, canh rụng trứng bằng phương pháp đo thân nhiệt... đến nay, Việt Nam có hệ thống các Trung tâm hỗ trợ sinh sản với 12 Trung tâm thuộc cả hệ thống công lập lẫn tư nhân với những kỹ thuật tiên tiến, mang lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập hệ thống hỗ trợ sinh sản khu vực, quốc tế không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Việc đào tạo để nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế ngang tầm khu vực và quốc tế, đầu tư trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại tiên tiến cần được chú trọng hơn nữa để nâng cao hiệu quả và bảo đảm an toàn trong hỗ trợ sinh sản. Ðiều quan trọng là phải chuẩn hóa việc nghiên cứu thực hiện chương trình TTTON sao cho giá thành hạ, cơ quan bảo hiểm y tế quan tâm hơn nữa những người bệnh TTTON, nhất là người bệnh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Báo ND Online