Cập nhật: 30/08/2009 17:12:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua Bộ NN và PTNT đã ban hành thông tư số 39/2009/TT-BNNPTNT về việc ban hành danh mục 6 loại bệnh thuỷ sản phải công bố dịch. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc những dấu hiệu chính của bệnh và những biện pháp phòng ngừa chung.

 

1. Bệnh đốm trắng (White spot diseases)

 

- Tác nhân gây bệnh là White spot syndrome virus.

 

- Các loài cảm nhiễm là tôm sú, tôm chân trắng, tôm lớt, tôm rảo, tôm rằn.

 

*Dấu hiệu bệnh: Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh là những đốm trắng ở dưới vỏ (dễ nhìn thấy nhất ở vỏ giáp đầu ngực). Tôm khi mắc bệnh thường nổi lên ở tầng mặt, bỏ ăn, hoạt động kém, dạt vào bờ. Các phần phụ như râu, chân... bị tổn thương, cơ thể bị sinh vật bám nhiều bẩn và nhớt.

 

*Lây truyền của bệnh: Bệnh chủ yếu lây truyền theo chiều ngang là chính. Bệnh lây truyền từ các loài giáp xác như tôm, ghẹ, cua còng... và đặc biệt lây lan nhanh trong ao khi tôm khoẻ ăn thịt tôm bị bệnh. Ấu trùng tôm giống ở giai đoạn sớm có thể nhiễm virus nếu bố mẹ mang mầm bệnh (lây lan theo chiều thẳng đứng).

 

Trong ao nuôi bệnh thường xuất hiện từ tháng thứ nhất trở đi. Khi bệnh bùng phát thì tỷ lệ chết cao và rất nhanh. Trong vòng từ 3-10 ngày sau khi phát bệnh thì tôm chết hầu hết trong ao, lên tới 100%.

 

2. Hội chứng Taura (Taura syndrome)

 

- Tác nhân gây bệnh là Taura syndrome virus (TVS).

 

- Loài cảm nhiễm là tôm chân trắng.

 

*Dấu hiệu của bệnh: Bệnh TVS có 3 giai đoạn là cấp tính, chuyển tiếp và mãn tính. Khi tôm ở giai đoạn cấp tính thì dấu hiệu rõ nhất là tôm bơi lờ đờ, trong ruột không có thức ăn, vỏ mềm. Đặc biệt đuôi phồng và có màu đỏ nên còn gọi là bệnh đỏ đuôi. Trong giai đoạn chuyển tiếp có các đốm đen trên biểu bì, tôm có thể có hoặc không bị phồng đuôi và chuyển màu đỏ. Những con tôm nhiễm bệnh vượt qua thời kỳ cấp tính và chuyển tiếp sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn này các dấu hiệu bệnh lý biến mất nhưng con tôm sẽ mang mầm bệnh đến hết cuộc đời.

 

*Lây truyền của bệnh: Đây là bệnh thường gặp đặc trưng ở tôm chân trắng. Bệnh có thể lan truyền theo chiều ngang hoặc chiều thẳng. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn từ tôm post đến tôm trưởng thành. Ở một số nơi bệnh bùng phát sau khi trời mưa to và kéo dài. Tôm chết thường chìm xuống đáy. Khi thấy có tôm chết nổi lên thì có nghĩa là tôm chết chìm dưới đáy ao đã rất nhiều, tỷ lệ chết lớn (đến 95%).

 

3. Bệnh đầu vàng (Yellow head diseases)

 

- Tác nhân gây bệnh là Yellowhead virus (YHV).

 

- Loài cảm nhiễm là tôm sú, tôm chân trắng, tôm rằn, tôm rảo, tôm lớt.

 

*Dấu hiệu của bệnh: Tôm ăn nhiều hơn mức bình thường trong vài ngày sau đó bỏ ăn đột ngột. Sau khoảng 1-2 ngày thì tôm bơi lờ đờ, có xu hướng dạt vào bờ và chết. Toàn thân có màu vàng nhợt nhạt. Kiểm tra bằng mắt thì thấy phần đầu ngực và gan tụy chuyển sang màu vàng.

 

*Lây truyền của bệnh: Bệnh lây chuyền theo chiều ngang. Virus lây truyền từ tôm bệnh sang tôm khoẻ trong ao, hoặc từ những loài tôm tự nhiên khác.

 

Bệnh thường xảy ra ở các ao nuôi với mật độ cao, điều kiện môi trường xấu.

Bệnh gây chết rất nhanh với tỷ lệ chết có thể lên đến 100% trong vòng từ 2-3 ngày.

 

4. Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (Spring viraemia of carp)

 

- Tác nhân gây bệnh là Spring viraemia of carpvirus (SVCV).

 

- Các loài cảm nhiễm là cá chép, cá chép Koi, cá trắm cỏ, cá mè trắng, cá mè hoa, cá diếc, cá vàng, cá nheo.

 

*Dấu hiệu của bệnh: Cá trong ao có hiện tượng ngạt thở, bơi lên tầng mặt, cá bơi không định hướng và mất thăng bằng. Nhìn bên ngoài thấy da có màu tối và xuất huyết. Mang có màu nhợt nhạt xuất huyết, mắt cá hơi lồi ra.

 

Nội tạng cá xuất huyết ở hầu hết các cơ quan như tim, gan, thận, ruột... trong xoang bụng có nhiều dịch nhờn.

 

*Lây truyền của bệnh: Bệnh gặp chủ yếu là ở cá chép. Virus gây bệnh từ giai đoạn cá giống đến cá thịt. Sự truyền nhiễm ngang có thể là trực tiếp qua vật trung gian, nước cũng đóng vai trò nhân tố vô sinh chính. Bệnh còn lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với chất thải từ cá nhiễm bệnh. Bệnh thường xuất hiện chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu. Đây là loại bệnh cấp tính nên phát bệnh rất nhanh và có tỷ lệ chết rất cao.

 

5. Bệnh do KHV (Koi herpesvirus diseases)

 

- Tác nhân gây bệnh là Koi herpesvirus (KHV).

- Loài cảm nhiễm là cá chép, cá chép Koi.

 

*Dấu hiệu của bệnh: Những dấu hiệu lâm sàng bao gồm: Cá bị bệnh có biểu hiện hôn mê và hoạt động bất thường, mất thăng bằng. Da mất chất nhầy và trở nên khô. Trên da xuất hiện những vết loét, phồng rộp lên. Mắt cá trũng xuống. Mang cá có màu nhợt nhạt, các mô tế bào hoại tử kèm theo sự nhiễm khuẩn thứ phát của vi khuẩn và nấm.

 

*Lây truyền của bệnh: Bệnh thường bùng phát ở nhiệt độ từ 15-28oC. Bệnh lây truyền trong ao từ những con cá bị bệnh qua tiếp xúc trong nước. Virus còn có thể lây truyền qua phân, nước tiểu, mang và da cá.

 

Bệnh gây chết cá rất nhanh. Cá bắt đầu chết trong khoảng từ 24-48h sau khi xuất hiện dấu hiệu bệnh. Tỷ lệ chết có thể từ 80-100%.

 

6. Bệnh hoại tử thần kinh - VNN (Viral nervous necrosis/Viral encephalopathy and retinopathy)

 

- Tác nhân gây bệnh là Bantanodavirus.

 

- Loài cảm nhiễm là cá song, cá vược, cá giò, cá tráp.

 

*Dấu hiệu của bệnh: Bệnh xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn của cá. Cá ở giai đoạn ấu trùng hoặc cá giống khi mắc bệnh thì bơi lờ đờ trên mặt nước do bóng hơi trương phồng, bơi không định hướng và chúc đầu xuống dưới.

 

Cá nuôi lồng khi mắc bệnh cá có màu đen, đuôi và các vây cũng chuyển màu đen, cá bơi không định hướng (bơi xoáy tròn theo hình trôn ốc). Cá bỏ ăn, trong ruột không có thức ăn. Cá hoạt động và bơi lội yếu dần và chết nổi trên mặt nước hoặc chìm xuống đáy lồng.

 

*Lây truyền của bệnh: Bệnh lây truyền nhanh đặc biệt là nuôi lồng bè chung nguồn nước. Bệnh thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ thích hợp của bệnh phát triển là 25-300C, khi môi trường có những thay đổi đột ngột về nhiệt độ hoặc độ mặn. Khi cá có dấu hiệu bị bệnh thì khoảng 3-5 ngày sau cá bắt đầu chết nhanh và đồng loạt.

 

Trên đây là 6 loại bệnh nguy hiểm trên tôm và cá nuôi do virus gây ra. Đặc điểm chung của các bệnh này là tốc độ lây lan nhanh và qua nhiều con đường khác nhau. Tỷ lệ chết cao và rất nhanh, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Đặc biệt là chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu. Vì vậy khi nuôi những đối tượng có khả năng cảm nhiễm với 6 loại bệnh trên cần tập trung vào phòng ngừa là chính:

 

-  Cần kiểm tra chất lượng con giống, mua con giống ở những cơ sở có uy tín và con giống đã qua kiểm dịch.

 

-  Thả nuôi với mật độ vừa phải, nuôi đúng mùa vụ.

 

-  Quản lý tốt chất lượng nước như: độ pH, hàm lượng oxi, các loại khí độc như H2S, NH3...

 

- Sử dụng các loại thức ăn có chất lượng tốt, tăng cường bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

 

- Khi trong ao, hay lồng bè nuôi xuất hiện những dấu hiệu bệnh cần thông báo và kiểm tra để có biện pháp cách ly phòng tránh bệnh lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch.

 

 

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tệp đính kèm