Các nhà khoa học Nhật Bản mới tạo ra được giống lúa có khả năng vươn lóng mạnh khi chúng bị ngập nước.
Giống lúa mới đang được thử nghiệm tại Đại học Nagoya (Nhật Bản). Motoyaki Ashikari, một nhà nghiên cứu của trường, cho biết, ông và các đồng nghiệp phát hiện một số gene tạo ra “ống thở” trong các giống lúa chịu lũ. Sau đó các chuyên gia đưa những gene này vào những giống lúa cao sản.
Khi cây lúa chìm trong nước, những gióng hình ống sẽ nhô ra và ngoi lên mặt nước để lấy không khí. Nhờ những gióng đó mà lúa vẫn phát triển bình thường khi bị ngập trong nước. Khi lũ tràn tới, cây lúa có thể vươn lóng được 25-30 cm mỗi ngày.
Ashikari cho rằng giống lúa có “ống thở” sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình lương thực thế giới. “Ở nhiều nơi trên hành tinh nông dân không thể trồng bất kỳ cây lương thực nào trong mùa mưa vì chúng sẽ chết do lũ quét hoặc ngập úng. Tại châu Á và châu Phi, có tới 40% cây lương thực chết trong mùa mưa hàng năm. Giống lúa mới của chúng tôi sẽ giúp hai châu lục này tăng đáng kể sản lượng gạo. Số người thiếu lương thực chắc chắn sẽ giảm đi”, ông nói.
Báo Nông nghiệp Việt Nam