Cập nhật: 11/10/2009 17:23:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đào hố chôn:

Chọn nơi khô ráo, không bị xói mòn, ngập lụt khi mưa lũ, xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, xa khu chăn thả gia súc, gia cầm, xa các nguồn nước mặt như sông, suối, ao, hồ, kênh, mương…, xa các trục đường giao thông để đào hố chôn gia súc, gia cầm bị dịch bệnh. Tùy theo khối lượng gia súc, gia cầm cần chôn mà đào kích thước cho phù hợp. Thông thường nên đào nhiều hố với kích thước dài 2-3m, rộng 2m, sâu 2m. Cần mở rộng miệng hố so với đáy để tạo thuận lợi cho việc thi công xử lý chống thấm tiếp theo.

 

Xử lý chống thấm lót đáy:

 

Trộn đều đất bột với 3-4% Bentonic BT1 rồi đổ xuống đáy hố một lớp dày khoảng 10cm và san đều cho phẳng. Bentonic BT1 là chất gia cố chống thấm có đặc tính khi gặp nước sẽ trương nở bít kín mọi kẽ hở tạo nên lớp chống thấm đáy rất tốt. Dùng một tấm vải nhựa PVC hoặc bạt dứa may liền mảnh để lót đáy và lót thành hố. Diện tích tấm lót cần được tính toán sao cho đủ để bao gói toàn bộ số gia súc, gia cầm chết bị chôn cộng thêm 5-10% kích thước dự phòng. Rải lên trên lớp vải bạt một lớp đất bột dày khoảng 10cm trước lúc thả xác động vật.

 

Xử lý xác động vật trong hố chôn:

 

 Thả các bao chứa xác động vật, gia súc, gia cầm bị bệnh xuống hố cho gọn, cho kín để tận dụng được diện tích và thể tích. Cứ mỗi lớp gia súc, gia cầm được thả xuống lại phun một lượt chế phẩm sinh học để khử tạp khuẩn sinh mùi và kích thích quá trình phân hủy sinh học như các chất: Biotic, Biomix, EM, Entroy, Bima… hiện đang có bán trên thị trường. Sau đó phủ lên trên gia súc, gia cầm một lớp đất dày từ 0,8-1m được đầm nén cho chặt.

 

Đặt ống thoát khí và ống thu khí:

 

- Cấu tạo của ống thu khí gồm có 2 đoạn ống nhựa PVC đường kính 4-5cm nối với nhau ở giữa bằng một ống gen chữ T để nối tiếp với ống thoát khí có đường kính 2cm. Ống thu khí có chiều dài bằng chiều dài của hố chôn, được đục nhiều lỗ nhỏ thu khí do xác động vật phân hủy để dẫn vào ống thoát khí dẫn ra ngoài.

 

- Rải một lớp sỏi hoặc đá cuội đường kính 1-2cm, đặt ống thu khí rồi phủ lên trên ống thu khí tiếp một lớp sỏi hoặc đá cuội nữa rồi trải tiếp một lớp vải bạt lên trên. Dùng kéo cắt vải bạt một lỗ nhỏ ở chỗ ống gen chữ T để nối ống thu khí với ống thoát khí rồi phủ đất lên trên lớp vải bạt một lớp đất bảo vệ. Chú ý san phẳng và đánh dốc mái từ tâm hố ra xung quanh.

 

Bảo vệ hố chôn:

 

- Trộn đều đất bột với 3-4% Bentonic BT1 rồi phủ lên trên lớp đất bảo vệ. Chú ý lớp đất chống thấm này phải có diện tích bề mặt lớn hơn diện tích hố chôn mới có tác dụng chống thấm cho hố chôn.

 

- Dùng cưa sắc cắt ống thoát khí cao hơn mặt đất 1-2cm rồi rải sỏi, đá lên trên. Dùng một tấm lót bằng vải hoặc bao bì xác rắn phủ lên trên miệng ống thoát khí. Dùng đất phủ xung quanh tấm lót để giữ cho khỏi bị gió bay, chỉ chừa lại ở phần giữa nơi có miệng ống thoát khí.

- Dùng vôi bột hoặc các chất diệt khuẩn như Clorua vôi, Cloramin B phủ lên trên bề mặt hố chôn.

Qui trình chôn lấp trên đây có thể áp dụng với tất cả các loại rác thải hữu cơ độc hại, xác súc vật, động vật v.v

 

Theo NNVN

Tệp đính kèm