Nếu bạn nghĩ rằng công nghệ phục vụ việc bếp núc đã đạt tới đỉnh cao thì hãy nghĩ lại, vì trong tương lai không xa, người ta sẽ đưa ra hệ thống sinh quyển trong nhà có thể trồng được rau và nuôi cá để luôn sẵn sàng phục vụ nấu các món ăn.
Nghe có vẻ giống như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng loại công nghệ này đang được phát triển tại Phòng thí nghiệm Tương lai của Anh để giúp các bà nội trợ luôn có thực phẩm tươi rói.
Một nghiên cứu đang được tiến hành giúp người mua hàng thay đổi phong cách sống theo đó tạo ra công nghệ có thể bảo đảm chất lượng cuộc sống mà vẫn giảm được đáng kể tiêu thụ năng lượng và nước. Tại đây, người ta cũng nói đến những tiến bộ công nghệ như máy giặt và máy rửa bát có thể làm sạch bằng sóng âm thanh.
Ngoài ra cũng phải kể đến “những chiếc máy giặt tiết kiệm” biết đề nghị các thực đơn dựa trên những gì chứa bên trong và thậm chí còn biết nén và tái chế thực phẩm bỏ đi.
Tuy nhiên, nổi bật nhất là nông trại sinh quyển tự túc của hãng Philips có thể cung cấp cá và các sản phẩm tươi tron suốt 52 tuần trong năm. Thiết bị này cũng cung cấp khí hydrogen có thể sử dụng để chạy xe hơi và chạy bằng rác thải thực phẩm từ nhà bếp.
Rau cỏ sẽ tạo ra khí oxy để phục vụ cho bể cá liền bên dưới. Những con tôm được nuôi để làm sạch bể cũng có thể dùng làm thức ăn.
Các kiến trúc sư đã sử dụng những máy in 3D để tạo ra các mô hình mà họ dùng trong việc thiết kế tòa nhà. Chưa hết, công nghệ này sẽ được áp dụng vào một chiếc máy có thể dùng chất thải nhựa để sản xuất ra các sản phẩm từ chén, thìa cho tới giày tập thể thao.
John Lewis và các chuyên gia tại phòng thí nghiệm Tương lai – những người đang vươn tầm nhìn đến năm 2030, cho rằng sẽ có một sự thay đổi cơ bản về phong cách sống và về các sản phẩm để tối thiểu hóa năng lượng sử dụng.
Theo Báo GD&TĐ Online