Để dưa hấu vụ thu đông ở các tỉnh phía Bắc bán vào dịp Tết Nguyên đán cho thu nhập cao, quả dưa có ngoại hình đẹp, trọng lượng từ 3-5kg, ruột màu đỏ hay vàng, độ ngọt cao, có mùi thơm đặc trưng của từng giống đáp ứng nhu cầu trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nhà nông cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp kỹ thuật sau:
Khi cây dưa ra 4-5 lá, bắt đầu phân nhánh thì cần sửa dây, mỗi gốc chỉ để 1 thân chính và 2 nhánh cấp 1 ở gần gốc (nách lá thật thứ 3-5), sau đó tỉa bỏ các nhánh ra sau của thân chính cách nhánh cấp 2, cách 2-3 đốt dây thì lấy đất chặn lên dây cho ra thêm rễ phụ và chống lật dây khi gặp mưa to, gió lớn. Khi cây dưa ra hoa cần thụ phấn bổ sung cho dưa từ 7-10 giờ bằng cách chạm đầu nhị của hoa đực mới nở vào bầu nhụy của hoa cái khi vừa hé nở. Nên để những quả ở nách lá thứ 9-10 trên thân chính và nách lá thứ 5-6 trên nhánh cấp 1 thì quả mới to đều và đẹp, mỗi gốc dây cho đậu từ 4-5 quả. Khi quả dưa to bằng quả trứng gà thì chỉ để 2 quả có cuống to, nhiều lông tơ, nây đều.
Bón phân cân đối, cây dưa hấu có nhu cầu phân kali, phân trung lượng (can xi, ma nhê, lưu huỳnh) và các loại phân vi lượng (đồng, kẽm...) cao để tăng hàm lượng đường trong quả giai đoạn chín. Khi trồng, bón phân hữu cơ hoai mục từ 8-10 kg/sào; lân supe từ 20-25kg, đạm urê 10-12kg, kali clorua 12-15 kg/sào. Ngoài ra, nên dùng bổ sung thêm các loại phân bón mới NEB-26, A-H502/503, PTS-9... để tăng năng suất, chất lượng quả dưa.
Ngoài ra, cần bảo đảm độ ẩm đất từ 70-80%, nhất là giai đoạn dưa đang lớn. Trước khi thu hoạch 7 ngày (từ 55-60 ngày từ khi trồng tùy từng loại giống), không tưới mà để đất mặt luống khô trắng, để giảm hàm lượng nước phòng nứt quả, quả nhạt sau thu hoạch. Khi thu hoạch quả phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát sau 7 ngày trở đi là thời gian cần thiết giảm lượng nước, tăng tỷ lệ đường, tạo cát cho thịt quả mới đưa ra sử dụng. Nếu bảo quản tốt, dưa có thể để được 15-20 ngày sau thu hoạch trong điều kiện tự nhiên
Theo HaNoiMoi Online