Cập nhật: 08/11/2009 16:43:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhìn những bao bì bắt mắt, màu sắc và thơm tho, bạn cho rằng, chúng hoàn toàn sạch sẽ và đảm bảo an toàn khi bao gói thực phẩm, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Đặc biệt,  khi ăn những thực phẩm được dùng giấy báo để gói có thể bị nhiễm chì.

Hãy nghe những lời khuyên của chuyên gia để có được sự lựa chọn thông minh về bao gói thực phẩm.

 

Dùng nilon để đựng đồ ăn nóng

 

Thói quen đầu tiên mà các nhà khoa học cảnh báo, đó là việc sử dụng túi nilon để đựng thức ăn chế biến sẵn, nhất là những loại thực phẩm nóng. Nhiều người vì nhân tiện đã sẵn sàng chìa túi nilon để người bán múc cháo hay phở, bún, canh nóng rồi mang về vô tư ăn uống.

 

Một cảnh báo nữa là hiện nhiều người vẫn muối dưa, cà muối trong các thùng nhựa rẻ tiền. Thói quen này đặc biệt nguy hại cho sức khoẻ.

 

PGS.TS Lê Văn Cát - Trưởng phòng Hóa Môi trường, Viện Hóa học cảnh báo: "Trong hóa học, một trong những điều kiện xúc tác đẩy nhanh quá trình phản ứng đó là nhiệt độ. Theo những nghiên cứu khoa học, ở nhiệt độ 70 - 80độ C những phụ gia này bắt đầu hòa tan vào thực phẩm".

 

Các nhà khoa học thế giới còn tìm thấy trong túi hoặc hộp nhựa, bình nhựa, có thể chứa một chất cực độc ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam, đó là chất DOP (dioctin phatalat). Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, chất này có thể ảnh hưởng về giới tính của trẻ em, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

 

Chất lượng thực phẩm bị ảnh hưởng bởi bao bì trong suốt

 

Ai cũng nghĩ, bao bì trong suốt khiến người sử dụng có thể nhìn thấy sản phẩm bên trong, tạo nên sự thỏa mãn về thị giác, kích thích nhu cầu mua sắm. Thế nhưng, các chất liệu này lại không thể bảo vệ thực phẩm trước sự tác động của tia tử ngoại có bước sóng từ 200 - 400 nanomét.

 

Ánh sáng tử ngoại ở bước sóng này có thể dễ dàng xuyên qua lớp bao bì bên ngoài, khiến thực phẩm bên trong biến chất cả về cảm quan và giá trị dinh dưỡng. Một ví dụ là sữa đóng trong chai bằng thủy tinh trong suốt thường có hàm lượng vitamin B2 thấp hơn sữa cùng loại đóng trong hộp giấy, vì một phần vitamin đã bị ánh sáng phân hủy.

 

Các loại nước hoa quả đóng chai cũng gặp vấn đề tương tự. Nhiều loại thực phẩm khác được bảo quản bằng bao bì trong suốt có thể bị biến đổi về màu sắc, mùi vị trước khi hết thời hạn sử dụng.

 

Nguy cơ nhiễm chì từ giấy báo gói thực phẩm

 

Việc dùng giấy báo để bao gói thực phẩm là hành vi rất thường gặp, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Trước hết, phải kể đến các loại hóa chất có trong mực in, trong đó có chì.

 

Điều này phụ thuộc vào chất lượng mực in, loại giấy in báo. Những tờ báo in đầu tiên sẽ dính mực nhiều hơn, độ bám mực không tốt nên mức độ thôi nhiễm hóa chất cao hơn. Có thể thấy rõ điều này khi tay bị nhuộm đen vì mực in sau khi đọc báo.

 

Theo TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp, điều nguy hiểm chính là chì khi thâm nhập vào cơ thể không gây phản ứng ngay mà tích lũy lại. Khi hàm lượng chì đạt đến một ngưỡng nhất định, nó sẽ "tấn công" sức khoẻ con người.

 

Biểu hiện của điều này, đó là việc suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt... Đó là chưa kể đến chuyện trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo thường "rong ruổi" qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom.

 

Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.

 

 

Báo Khoa học & Đời Sống Online

Tệp đính kèm