Một trong những biện pháp diệt cỏ thông dụng hiện nay mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng và ít tốn kém về nhân lực đó là biện pháp dùng thuốc hóa học (thuốc diệt cỏ).
Nhưng qua một quá trình dùng thuốc, các loài cỏ dại thường có biểu hiện kháng lại một số loại thuốc trừ cỏ (như thời gian mọc lại sau phun thuốc nhanh hơn, chồi cỏ chỉ bị chết các bao lá bên ngoài còn phần thân cỏ vẫn còn sống sau đó đâm chồi trở lại…) đã làm giảm hiệu lực phòng trừ bằng thuốc hóa học. Để phòng tránh tính kháng thuốc trừ cỏ của các loài cỏ dại, chúng ta phải áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:
- Chỉ sử dụng thuốc trừ cỏ khi thật cần thiết nhằm tránh thiệt hại về kinh tế và sự nhờn thuốc của cỏ dại. Sử dụng thuốc phù hợp với từng loại cỏ và thời điểm sinh trưởng của cỏ dại như thuốc có cơ chế diệt hạt cỏ (thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm), thuốc diệt cỏ khi cỏ đang sinh trưởng tốt (thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm). Ngoài ra tùy theo từng loại cây trồng, thành phần cỏ dại trong ruộng mà ta dùng thuốc cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tác hại của thuốc trừ cỏ đối với cây trồng.
- Sử dụng luân phiên các thuốc trừ cỏ, không sử dụng liên tục một loại thuốc trừ cỏ có cùng cơ chế tác động trên cùng một cánh đồng hay một khu vườn.
- Sau khi phun các loại thuốc trừ cỏ có nguy cơ bị kháng cao cần thay thế các thuốc trừ cỏ có cơ chế tác động khác. Những thuốc này phải có nhiều cơ chế tác động trong quá trình diệt cỏ.
- Những nơi có điều kiện thích hợp nên luân canh cây trồng có chu kỳ sinh trưởng khác nhau như ngô với đậu tương, lạc với khoai lang…, luân canh lúa nước với cây trồng cạn sẽ có tác dụng ức chế và tiêu diệt cỏ dại, hạn chế quá trình dùng thuốc diệt cỏ
- Áp dụng các biện pháp làm đất kết hợp với điều tiết nước hợp lý và luân canh cây trồng để hỗ trợ và làm tăng hiệu quả của thuốc trừ cỏ.
Theo Báo NNVN