Mùa đông là thời điểm sương mù "hoành hành". Nhiều người quan niệm sương mù vô hại, nhưng khi sương mù kết hợp với không khí bị ô nhiễm có thể gây ra nhiều mối nguy hiểm. Khi đi ra đường, nên đeo khẩu trang để tránh hít khói bụi lẫn trong sương mù.
Ô nhiễm không khí làm gia tăng sương mù
Ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW cho hay, thời điểm hiện nay đang là mùa sương mù. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km.
Sương mù có 2 loại chủ yếu là sương mù bình lưu và sương mù bức xạ. Khi không khí ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh sẽ bị lạnh đi nên hình thành sương mù bình lưu. Sương mù bình lưu xuất hiện các ngày cuối đông và thường xuất hiện nhiều ở khu vực ven biển.
Loại sương mù này có thể kéo dài vài ngày nên gây hạn chế tầm nhìn ảnh hưởng tới giao thông. Có những đợt sương mù dày đặc và kéo dài khiến cho nhiều chuyến bay phải hủy bỏ.
Sương mù bức xạ hình thành khi mặt đất lạnh đi do bức xạ vào ban đêm trời quang mây, lặng gió. Ở Bắc Bộ, sương mù bức xạ thường xuất hiện vào các tháng 10, 11 và 12. Loại sương mù này thường xuất hiện vào ban đêm và sáng sớm ở trên các quốc lộ và đường nội thị.
Khi mặt trời lên, lớp sương mù này sẽ tan đi. Tuy chỉ xuất hiện vào lúc sáng sớm nhưng sương mù bức xạ lại chứa nhiều chất "độc".
GS.TS Lê Đình Quang, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn & Môi trường giải thích, nguyên nhân là do vào mùa đông, khi các đợt không khí lạnh xuất hiện sẽ sinh ra các lớp nghịch nhiệt. Lớp nghịch nhiệt này làm cho không khí không thể trao đổi được giữa tầng thấp và tầng cao.
Điều này khiến cho khói, bụi, khí độc từ hoạt động xả thải tại các nhà máy, các phương tiện giao thông... trong không khí không thể thoát lên được, mà bị giữ lại ở gần mặt đất quyện vào sương mù, khiến cho sương mù càng trở lên dày đặc hơn và chứa nhiều "độc" hơn. Do vậy, sương mù thường xuất hiện dày đặc tại các khu đô thị và các nhà máy, khu công nghiệp lớn.
Điều đặc biệt, theo các chuyên gia, môi trường không khí càng ngày càng ô nhiễm nên sương mù xảy ra nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.
Mắc bệnh vì sương mù
Các chuyên gia cho biết, nhiều người thường có quan niệm rằng, sương mù vô hại. Thực tế, sương mù là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Khi sương mù xuất hiện, độ ẩm thường cao khiến cho những người bị bệnh về đường hô hấp cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Khi sương mù kết hợp với các chất độc có trong không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người gây ra các bệnh viêm đường hô hấp (mũi, tai, họng, thanh quản)...
Các chuyên gia cho biết, hiện nay chưa có giải pháp nào khả thi để xua tan được sương mù. Vì thế, cách tốt nhất là phải biết tự bảo vệ mình. Vào những ngày có sương mù, tránh ra đường vào lúc sáng sớm, khi sương mù dày đặc. Nếu bắt buộc phải ra đường cần phải mặc áo ấm, đeo khẩu trang để tránh hít khói bụi lẫn trong sương mù.
Nếu có điều kiện, sau khi tiếp xúc với sương mù nên nhỏ mũi, mắt, súc miệng bằng nước muối nhạt. Đối với các phương tiện giao thông nhất là các phương tiện giao thông đường thủy cần phải giảm tốc độ khi đi trong sương mù.
Ngoài sương mù còn có thể xuất hiện mù. Đây là hiện tượng tập hợp các hạt bụi, khói lơ lửng trong không khí, làm giảm tầm nhìn ngang. Mù mạnh có thể làm giảm tầm nhìn ngang xuống vài trăm mét, thậm chí hàng chục mét như sương mù mạnh. Mù thường do nguyên nhân địa phương như cháy rừng, môi trường ô nhiễm...
Theo Báo KH & ĐS