Cuộc bình chọn có sự tham giao của 42 nhà báo viết về lĩnh vực khoa học công nghệ, bình chọn các sự kiện dựa trên 5 nhóm lĩnh vực: cơ chế chính sách, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế và khoa học xã hội nhân văn.
Câu lạc bộ Nhà báo khoa học công nghệ vừa công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện Khoa học Công nghệ nổi bật năm 2009. Cuộc bình chọn có sự tham giao của 42 nhà báo viết về lĩnh vực khoa học công nghệ, bình chọn các sự kiện dựa trên 5 nhóm lĩnh vực: cơ chế chính sách, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế và khoa học xã hội nhân văn.
1. Bộ Chính trị có kết luận về “Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học công nghệ, nhiệm vụ giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay tới năm 2020”. Bộ Chính trị đồng ý về mục tiêu đề ra của ngành khoa học công nghệ đến năm 2020 xây dựng một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực.
2. Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận gồm hai nhà máy với công suất hơn 4.000 MW.
3. Phát hiện nhiều văn bản, sắc chỉ liên quan tới Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn có từ 170 năm trước, khẳng định chủ quyền của nước ta về quần đảo Hoàng Sa.
4. Sản xuất thành công vaccine phòng cúm A/H1N1 trong phòng thí nghiệm.
5. Công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam.
6. Lần đầu tiên Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G.
7. Robot Việt gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế.
8. Việt Nam có trạm thu ảnh vệ tinh En-vi-sat đầu tiên ở châu Á.
9. Hội chợ công nghệ quốc tế TechMart ASEAN+3;
10. Giáo sư Tiến sĩ toán học Bảo Châu được tôn vinh là nhà khoa học trong năm với công trình “Bồ đề cơ bản đối với nhóm unita”.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, khoa học và công nghệ là cơ sở để xây dựng, phát triển đất nước phải là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: “Cùng với thành tựu kiệt xuất, vĩ đại và kỳ diệu của con người, khoa học công nghệ hiện nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Việt Nam cần đi tắt đón đầu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”./
Theo vovnews.vn.