Cập nhật: 01/01/2010 17:01:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nay, ngành thiên văn học thế giới "gặt hái" nhiều phát hiện lý thú. Sau đây là 9 phát hiện đáng nhớ nhất của năm 2009.

9. Những vật thể kỳ quặc

 

Trái đất đã sắp 1 dãy ghế cho vô số các vật thể vũ trụ trong năm 2009, với những cơn mưa sao băng tuyệt vời, những khối đá vũ trụ "cứng đầu" bay vù qua hành tinh và những ánh sáng kỳ bí trên bầu trời - trong đó có cả những hiện tượng do tự nhiên lẫn nhân tạo.

 

Cuộc trình diễn ánh sáng hàng năm như cơn mưa sao băng Leonid đã tiếp tục khiến chúng ta lóa mắt, nhưng một số khối đá vũ trụ bay qua hành tinh chúng ta tương đối gần thì không mấy dễ chịu. Một hành tinh nhỏ đã nổ tung trên bầu trời Indonesia ngày 8/1/2009 với lực nổ tương đương quả bom nguyên tử Hiroshima đã trở thành khối đá vũ trụ lớn nhất rơi xuống trái đất trong hơn 1 thập kỷ qua.

 

Những luồng ánh sáng nhân tạo kỳ lạ và đẹp mắt cũng đã tham gia cùng màn trình diễn ánh sáng tự nhiên trong năm nay. NASA đã phóng một quả tên lửa thử nghiệm tái tạo lại những đám mây sáng rực trời đêm vào tháng 11 vừa qua. Nhưng cuộc trình diễn kỳ lạ nhất lại là hình tròn xoắn ốc xuất hiện trên bầu trời Na-uy trong tháng 12 này và đã làm dấy lên một sự suy đoán to tát xem đó là hiện tượng ở bên ngoài bầu khí quyển hay là hiện tượng sao sa. Tất cả chỉ có lời giải khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng, đó là một vụ phóng tên lửa thất bại.

 

8. Sao Thủy "lộ chân tướng"

 

Hành tinh này đã được các nhà khoa học "khám phá" đầy đủ trong năm 2009 khi thiết bị thăm dò của NASA hoàn tất chuyến bay thứ 3 và là chuyến bay cuối cùng lên sao Thủy hồi tháng 9 vừa qua. Điều này có thể giúp các nhà khoa học đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo của sao Thủy trong năm 2011.

 

Chuyến thám hiểm thứ 3 tới sao Thủy không chỉ giúp các nhà khoa học dựng được bản đồ 98% bề mặt của hành tinh này mà còn cho thấy, bề mặt nơi đây bao gồm số lượng lớn những kim loại nặng như sắt và titanium. Phát hiện đáng ngạc nhiên này đã buộc các nhà khoa học phải xem xét lại xem hành tinh nhỏ bé này đã tiến hóa như thế nào.

 

Cuộc thăm viếng cuối cùng tới sao Thủy cũng giúp khám phá ra hành tinh gần mặt trời nhất này có các mùa thay đổi. Những lần thay đổi mùa như vậy tạo ra một dạng các thành phần hóa học đa dạng trong bầu khí quyển mỏng manh của hành tinh này.

 

7. Lỗ đen có kích thước khổng lồ nhất

 

Một siêu lỗ đen đã trở thành đề tài có sức nặng lớn trong năm nay với kích thước lớn gấp 6,4 tỷ lần kích thước của mặt trời.

 

Lỗ đen "siêu khủng" này nằm ở trung tâm của thiên hà khổng lồ M77, không giống với lỗ đen khổng lồ nằm ở trung tâm của dải ngân hà của chúng ta. Những lỗ đen khác ở những thiên hà lớn kế bên giờ có thể cũng nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và chưa biết chừng kỷ lục trên có thể bị phá vỡ trong những năm tới.

 

6. Năm của kính thiên văn vũ trụ

 

Một thế hệ mới các kính thiên văn vũ trụ đã được phóng trong năm 2009, nhằm tìm kiếm những thế giới mới hay giải mã những bí ẩn lâu nay của vũ trụ. Trong số này, kính vũ trụ săn hành tinh Kepler của NASA nhận được sự chú ý hơn cả. Sứ mệnh của nó là tìm kiếm những ngôi sao giống mặt trời và các ngôi sao có kích thước hay cấu tạo giống địa cầu.

 

Những "tân binh" khác là các đài quan sát vũ trụ Herschel và Planck của Châu Âu, sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2010. Herschel đại diện cho kính vũ trụ hồng ngoại mạnh nhất từng được phóng vào vũ trụ, trong khi Planck đảm nhiệm việc do thám "ánh sáng đầu tiên" đến từ vũ trụ, ánh sáng xuất hiện chỉ phút chốc sau vụ nổ Big Bang.

 

Một kính thám hiểm nữa là WISE của NASA được phóng trong tháng 12 này với mục đích quét bầu trời hồng ngoại 1-1/2 lần trong suốt quá trình thực hiện sứ mệnh của mình.

 

5. Nước đá trên sao Hỏa

 

2009 có thể coi là năm thành công về khám phá sao Hỏa. Những khối đá vũ trụ đã giúp các nhà khoa học một tay bằng cách làm hé lộ ra những miệng núi lửa trên bề mặt hành tinh này, từ đó phát hiện thấy dấu vết của gần 99% lượng nước đá tinh khiết ở gần bề mặt - có thể là phần còn lại của những khối nước đã từng bao phủ hơn một nửa hành tinh này bị chôn vùi.

 

Một bản đồ bao quát về các thung lũng trên hành tinh đỏ cho thấy đại dương có thể đã từng hiện diện nơi đây. Một tàu không người lái của NASA cũng đã tiếp tục cung cấp bằng chứng sát thực hơn rằng nước có thể đã giúp tạo hình bề mặt sao Hỏa.

 

Một trong những câu hỏi sẽ còn làm đau đầu các nhà khoa học trong năm 2010 là liệu nước lỏng có thể vẫn tồn tại trên bề mặt sao Hỏa hay không.

 

4. Hành tinh đầu tiên ở quanh ngôi sao lạ

 

Hai trong số những phát hiện vĩ đại nhất tính đến thời điểm này đã xảy ra trong năm 2009, khi các nhà khoa học đã tiến những bước đầu tiên trong việc tìm ra những hành tinh giống với trái đất ở bên ngoài hệ mặt trời.

 

Trường hợp thứ nhất, các nhà thiên văn học đã xác nhận thế giới vật chất cứng đầu tiên có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao khác. Được gọi là CoRoT-7b, hành tinh này đại diện cho hành tinh đầu tiên được biết đến giống với trái đất nhất, duy chỉ nhiệt độ bề mặt là không giống, nóng tới 1000oC.

 

Hành tinh rắn và giàu nước thứ hai được gọi tên là GJ 1214b cũng trở thành "siêu trái đất" đầu tiên có bầu khí quyển.

 

Sự phát triển của một nhóm các siêu trái đất giờ đây vượt lên trong số hàng trăm những gã khổng lồ giống sao Mộc được phát hiện trong quỹ đạo quanh những ngôi sao khác. Một số nhà khoa học tin rằng, những siêu hành tinh này rốt cuộc có thể chứng minh tốt hơn trái đất về việc nuôi dưỡng sự tồn tại của sự sống.

 

3. Kính viễn vọng  Hubble "nhìn sâu hơn" vào vũ trụ

 

Kính viễn vọng Hubble của NASA đã trải qua 2 cuộc "phẫu thuật" và đã xuất hiện trở lại với hình dáng tuyệt vời hơn bao giờ hết trong năm 2009. Chiếc kính có tuổi đời 19 năm này đã ăn mừng ngày tái sinh bằng cách dò tìm những thiên hà già cỗi nhất, ở xa nhất từng được phát hiện.

 

2. Hành tinh Jupiter phát hỏa

 

Những gì một nhà thiên văn học nghiệp dư lần đầu báo cáo như một chấm tối mới trên sao Mộc thực ra là hậu quả của một đám cháy xuất phát từ một vụ va chạm giữa Mộc tinh với một hành tinh nhỏ hoặc một sao chổi trong mùa hè vừa qua. Cú va chạm vũ trụ lớn này dễ dàng sánh với một vụ va chạm khác cách đây 15 năm, khi ngôi sao chổi Levy 9 "chạm trán" với vị vua của các hành tinh.

 

Các nhà khoa học ước tính rằng thủ phạm đằng sau cú va chạm đó có kích thước không lớn hơn nửa km. Những vật thể vũ trụ như vậy có thể chứa năng lượng lớn gấp hàng nghìn lần so với năng lượng phát ra từ vụ va chạm Tunguska xảy ra ở Siberia vào năm 1908, đã san bằng một khu vực rộng ngang với một thành phố.

 

1. Nước trên mặt trăng

 

Có lẽ không một khám phá hoa học nào trong năm nay chứng minh được tầm quan trọng ngang với phát hiện về nước trên mặt trăng. Mặt trăng từ lâu đã được mô tả là một hành tinh khô hạn, cằn cỗi giờ lại như "trêu ngươi" chúng ta về khả năng trở thành ngôi nhà có thể trú ngụ.

 

Các nhà khoa học đã lần đầu xác nhận dấu vết của nước trên những lớp trên cùng của bề mặt mặt trăng dựa trên việc phát hiện ra cả nước lẫn nhóm phân tử OH trên hành tinh này.

 

Ngày 9/10, tàu vũ trụ của NASA đã phóng một tên lửa nặng 2.200 kg xuống hố Cabeus (có đường kính 100 km) ở cực nam mặt trăng. Tác động của vụ nổ có thể hất tung mọi tinh thể băng tồn tại bên dưới mặt đất. Sau đó, một tàu vũ trụ khác đưa thiết bị thăm dò xuống vị trí vụ nổ để xem có tinh thể băng bắn ra hay không. Vụ nổ tạo ra một hố có đường kính 20-30 m và cột bụi khí cao khoảng 1,6 km. Từ đây, tàu thăm dò đã phát hiện ra hơi nước, tinh thể nước đóng băng, phân tử OH (chỉ xuất hiện khi phân tử nước bị phá vỡ bởi ánh sáng mặt trời).

 

Nếu những nghiên cứu trong tương lai chứng minh rằng lượng nước trên mặt trăng cực lớn thì con người có thể đặt căn cứ tại hai cực của hành tinh này, các phi hành gia có thể dùng nước trên mặt trăng để uống. Chúng ta cũng có thể điện phân nước để tạo ra oxy và hydro – hai dạng nhiên liệu dành cho tên lửa đẩy. Ngoài ra các nhà du hành còn có thể dùng khí oxy để thở...

 

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm