Theo Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga, thiên thạch Apophis đang tiến gần về phía Trái đất và có thể va vào hành tinh của chúng ta vào năm 2032. Một cú va chạm như vậy có thể đe dọa sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Ngày 30/12, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga Anatoly Perminov cho biết cơ quan này sẽ cân nhắc việc dùng tàu vũ để chặn nguy cơ thiên thạch Apophis va vào Trái đất.
Theo ông Perminov, thiên thạch Apophis đang tiến gần về phía Trái đất và có thể va vào hành tinh của chúng ta vào năm 2032. Nếu xảy ra, một cú va chạm như vậy có thể đe dọa sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Đó là lý do Cơ quan vũ trụ Nga sẽ chi vài trăm tỷ USD và phát triển một hệ thống có thể ngăn chặn thiên thạch Apophis va vào Trái đất.
Ông nhấn mạnh thời gian từ nay đến năm 2032 đủ dài để con người chế tạo được một loại tàu vũ trụ chuyên dụng giúp tránh được cú va chạm giữa Apophis và Trái đất mà không cần phá hủy thiên thạch này hay sử dụng giải pháp nổ hạt nhân.
Ông cho biết Cơ quan Vũ trụ Nga sẽ sớm triệu tập một cuộc họp để đánh giá khả năng thực thi dự án và sẽ mời các cơ quan vũ trụ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số cơ quan vũ trụ khác tham gia.
Thiên thạch Apophis dài 270m, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2004.
Các nhà thiên văn học ước tính khả năng Apophis va vào Trái đất khi nó bay qua hành tinh của chúng ta lần đầu tiên vào năm 2029 là 1/37.
Những nghiên cứu sau đó đã loại bỏ nguy cơ Apophis va vào Trái đất vào năm 2029 vì lúc đó, thiên thạch này còn cách Trái đất 29.450km, nhưng dự báo có thể xảy ra một cú va chạm nhỏ sau đó.
Sau khi tính toán lại đường đi của Apophis, Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) tháng 10/2009 đã hạ nguy cơ xảy ra cú va chạm giữa Apophis và Trái đất từ 1/45.000 xuống 1/250.000 vào năm 2036. NASA cũng dự đoán khả năng xảy ra cú va chạm sau đó vào năm 2068 là 1/330.000.
Các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra giả thiết về các thảm họa do thiên thạch gây ra cho Trái đất. Apophis chỉ là một ví dụ, chưa kể những cú va chạm với các vật thể chưa được biết đến.
Một số nhà khoa học đề xuất giải pháp điều tàu thăm dò vũ trụ bay vòng quanh một thiên thạch nguy hiểm để thay đổi dần quỹ đạo bay của nó. Số khác đề nghị cho tàu vũ trụ va chạm với thiên thạch để thay đổi tốc độ di chuyển hoặc dùng vũ khí hạt nhân phá hủy thiên thạch nguy hiểm.
Theo TTXVN/Vietnam+