Người dân nước ta có thể bắt đầu quan sát nhật thực hình khuyên dài kỷ lục từ 14h11 tại Điện Biên và Lai Châu.
Ông Nguyễn Đức Phường, hội viên Hội thiên văn vũ trụ Việt Nam, cho biết nhật thực sẽ bắt đầu ở Điện Biên và Lai Châu vào lúc 14h11 chiều nay. Tại Hà Nội và TP HCM thời gian có thể bắt đầu quan sát lần lượt là 15h49 và 15h41. Nhật thực sẽ kết thúc tại Cao Bằng và Hà Giang vào khoảng 17h06.
Độ che phủ của mặt trời tại Hà Giang là 73,8%, lớn nhất cả nước. Tại Hà Nội và TP HCM độ che phủ lần lượt là 67,3% và 38,1%. Trên thế giới, độ che phủ của mặt trời đạt cực đại là ở Ấn Độ Dương. Độ che phủ của mặt trời trong nhật thực hôm nay tại Việt Nam tương đương với nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ vào ngày 22/7/2009.
Nhật thực hình khuyên thường niên dài nhất trong 1.000 năm tới sẽ bắt đầu tại Trung Phi, đi qua Ấn Độ Dương, miền nam Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và kết thúc ở Trung Quốc hôm nay.
Nhật thực hình khuyên nguy hiểm hơn nhật thực toàn phần vì mặt trời không bị che khuất hoàn toàn. Ông Phường khuyến cáo người quan sát không nên nhìn thẳng vào mặt trời khi hiện tượng này xảy ra, vì các tia tử ngoại từ mặt trời có thể làm hỏng võng mạc và gây mù lòa. Phim X quang, băng từ, kính râm cũng không phải là những dụng cụ quan sát an toàn, bởi chúng không loại bỏ hoàn toàn tia tử ngoại.
Theo ông Phường, người dân nên dùng kính chuyên dụng, kính thợ hàn để quan sát. Nếu không có những vật dụng trên, người dân nên đặt gương trong chậu nước pha mực đặc rồi quan sát hình ảnh nhật thực trong gương. Ngoài ra chúng ta có thể khoét lỗ có đường kính vài mm trên một tấm bìa rồi đặt tờ giấy trắng cách tấm bìa vài cm. Khi hướng tấm bìa và tờ giấy về phía mặt trời khi nhật thực xảy ra, hình ảnh mặt trời sẽ hiện trên tờ giấy.
Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu, vì thế mà mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời. Khi nhật thực hình khuyên diễn ra chúng ta có thể nhìn thấy sao Kim ngay gần mặt trời, bởi hành tinh này phản chiếu ánh sáng cực mạnh./.
Theo Vnexprees