1. Bệnh nhiễm virus: Nhiễm virus là căn bệnh rất phổ biến ở tằm, nhất là tằm ăn lá dâu hay còn gọi bệnh bủng, bệnh nghệ.
- Triệu chứng: Tằm nhỏ da căng phồng, trốn ngủ. Tằm lớn đốt căng phồng, có màu trắng nhạt. Nếu là tằm kén vàng thì có màu vàng nghệ hay bò lên cạp nong và bò đến đâu nước chảy đến đó. Nếu mắc bệnh muộn thì kén sẽ mỏng, tằm chưa hoá nhộng đã chết.
- Nguyên nhân: Do virus có sẵn trong cơ thể tằm và ngoài môi trường, gây ra khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột. Con đường lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hoá như ăn phải lá dâu kém chất lượng, ôi, héo... Ngoài ra bệnh còn bị nhiễm qua vết thương trên da tằm.
- Biện pháp phòng trừ: Thông gió cho nhà nuôi tằm thoáng và đóng cửa kịp thời khi thời tiết thay đổi. Trước và sau lứa tằm cần khử trùng bằng nước vôi trong hoặc foocmol. Cho ăn lá dâu tươi ngon, khi phát hiện tằm bị bệnh cần thay phân kịp thời và xử lí tằm đậy bằng vôi bột, loại bỏ tằm bệnh.
2. Bệnh tằm gai
- Bệnh tằm gai do bào tử ký sinh trùng bệnh gai Nosema bombycis xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá. Bào tử bệnh gai chỉ sinh sôi nảy nở trong cơ thể sống của tằm hoặc một số loại côn trùng.
- Triệu chứng tằm bị nhiễm bệnh sẽ sinh trưởng, phát triển không đều, lột xác kém, có nơi còn gọi là tằm xun... Tằm kém ngủ, da căng bóng, đốt hơi ngắn, vận động nhiều, hai bên sườn xuất hiện nhiều chấm đen nhỏ li ti. Nếu mắc bệnh muộn thì tằm vẫn nhả tơ kéo kén nhưng kén không tốt.
- Con đường lây nhiễm: Nhiễm qua phôi (trứng). Nhiễm bệnh qua đường tiêu hoá, nếu nhiễm bệnh muộn tằm vẫn kết kén nhưng sẽ lây nhiễm đến trứng của đời sau.
- Biện pháp phòng trừ: Loại mọi lô trứng nhiễm bệnh gai trên 5%, nhất là các cơ sở sản xuất giống. Khử trùng phòng nuôi, dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch fooc-môn 2% trước và sau khi nuôi tằm. Sát trùng tằm qua các tuổi bằng vôi bột khi tằm ngủ và khi dậy.
3. Bệnh do vi khuẩn
- Triệu chứng: Bệnh tằm do vi khuẩn còn gọi là bệnh trong, theo đó, tằm đang khoẻ mạnh chuyển sang ăn kém, chậm chạp, da xám, đầu ngẩng cao, các đốt thân có xu hướng giãn ra, đầu và toàn thân trong, chết ở thể cấp tính, không chết ở thể mãn tính.
- Nguyên nhân: Do vi khuẩn bệnh trong gây nên qua con đường tiêu hoá, dâu chất lượng kém, ôi héo, phòng nuôi tằm bí hơi, thông khí kém.
- Biện pháp phòng trừ: Duy trì điều kiện môi trường sống tốt cho tằm, phòng nuôi đủ nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, dâu cho tằm ăn phải đảm bảo chất lượng và sạch. Cho tằm ăn lá dâu có phun rượu tỏi theo tỉ lệ 1 rượu, 8 nước. Có thể sử dụng Penixilin để điều trị bệnh cho tằm nhưng pha theo tỉ lệ 2 ml với 0,5 l nước phun cho 5 - 7 kg lá dâu sau đó để ráo cho tằm ăn.
4. Bệnh nấm
Bệnh nấm ở tằm có hai loại, một là bệnh nấm trắng, do nấm có tên là Beauveria bassiana và bệnh nấm xanh do nấm spicaria gây ra. Ngoài ra còn có bệnh nấm Aspergillosis, nấm đen hoặc bệnh nấm nâu cũng rất phổ biến. Khi bị nhiễm bệnh tằm thường còi cọc, dễ tử vong, kém vận động, tiết dịch nhờn trên thân, thân bị cứng lại, khô và biến màu dẫn đến bị tử vong.
- Cách phòng tránh: Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng trong chăn nuôi, khử trùng phòng nuôi bằng thuốc tẩy 5%. Duy trì nhiệt độ phòng thích hợp không quá lạnh, quá nóng và độ ẩm cao. Duy trì nong tằm luôn sạch sẽ, khô ráo. Phát hiện sớm những con bị nhiễm nấm sau đó phân loại tiêu hủy. Sử dụng dung dịch Dithane M45 hoặc Vijetha phun vào nong tằm, ngoài ra cần chú ý đến vệ sinh lá dâu, thức ăn phải chất lượng sạch sẽ và không nhiễm bẩn và chất gây bệnh.
Theo NNVN