Có dịp thăm trang trại Bống Vàng rộng gần 6 ha chuyên trồng các loại cây ăn quả có múi đặc sản như cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn cho thu nhập vài ba trăm triệu đồng/ha/năm của gia đình ông Hoàng Khắc Cơ ở thôn Hoàng Cát, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi học hỏi được nhiều điều hay.
Đặc biệt là kinh nghiệm thâm canh để cây cam đường Canh luôn sai quả, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tránh được hiện tượng quả bị khô xốp, ra quả cách niên. Xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng:
1. Đốn tỉa, tạo hình: Thu hoạch xong, tiến hành cắt tỉa, bỏ hết các cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh, cành vô hiệu mọc đan chen trong tán làm cho cây thông thoáng nhằm hạn chế sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng nuôi những cành quả cho vụ sau.
2. Phơi rễ, đảo rễ: Dùng cuốc đào vát vào bên trong xung quanh gốc theo hình tròn có đường kính và độ sâu khoảng 40-50cm. Nhấc bầu lên, cắt bớt rễ xung quanh, để khoảng 10 ngày rồi dùng dao nạo lại bầu đất, lật cây lên chặt đứt rễ cọc. Nếu trời mát nên để trơ gốc gọi là “phơi rễ” 10-12 ngày; trời nắng hay hanh khô do heo may cần tủ lại đất để giữ ẩm, giữ cho các đầu rễ khỏi bị khô làm cây bị khô héo. Việc cắt bớt một số rễ tơ và phơi rễ giúp cho cây trẻ lại đồng thời hãm cây phát lộc, kích thích cây ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ đậu quả cao.
3. Bón lót để hồ rễ: Khoảng 15 ngày sau hạ bầu trở lại và bón 30-40 kg/gốc phân chuồng hoai mục + 0,3-0,5 kg/gốc vôi bột + 1,5-2 kg/gốc supe lân. Chú ý rắc vôi bột vào các đầu rễ nhằm hạn chế mất nước và chống nhiễm khuẩn gây thối rễ.
4. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại một cách triệt để nhằm tiêu diệt hết các loại rệp hại, sâu vẽ bùa, nhện trắng, nhện đỏ bằng các loại thuốc chuyên dụng và hạn chế úng ngập để tránh bệnh thối rễ, nứt thân giúp cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa.
5. Khoanh vỏ hãm cây chống rụng quả non: Khi quả đã đậu khoảng 70-80%, to gần bằng hạt đậu xanh thì nên khoanh vỏ hãm cây để chống rụng quả non. Dùng dao chuyên dụng tiện 1 vòng quanh thân hoặc các cành cấp 1 sao cho đứt vỏ sát thân gỗ mở ra một lớp vỏ rộng khoảng 1 mm, cách gốc cành khoảng 15-20cm. Dùng băng dính tối màu băng lại để hạn chế mất nước và nấm bệnh, côn trùng xâm nhập gây nhiễm khuẩn. Tùy tình hình sinh trưởng của từng cây, diễn biến của thời tiết mà quyết định số lần khoanh vỏ cho phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất. Nếu cây khỏe, trời mát, đất ẩm thì tiện 2-3 lần, ngược lại, cây yếu, trời hanh khô thì chỉ cần tiện 1 lần cũng đã đạt được hiệu quả. Chú ý các lần khoanh vỏ cách nhau 7-10 ngày và cách nhau khoảng 10cm, không được khoanh trùng lên vết cũ. Khoảng 12-15 ngày sau tháo băng dính thấy 2 mép vỏ liền lại, các quả trên cây đã xanh ổn định là việc khoanh vỏ chống rụng quả đã thành công.
6. Bón thúc nuôi quả: Khi quả lớn cỡ quả bóng bàn bắt đầu bón thúc bằng các loại phân có nguồn gốc từ thực vật và động vật như bột ngô, đậu tương, ốc bươu vàng, bột xương… đem ngâm chua 1-2 tháng, pha loãng tưới cho cây mỗi tuần 1 lần. Trước khi thu hoạch khoảng 2 tháng nên bón thêm phân kali dạng KCl để tăng thêm độ ngọt và màu sắc đẹp.
7. Neo giữ quả: Duy trì chế độ chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt hạn chế bón nhiều phân đạm hóa học và luôn giữ độ ẩm đất khoảng 60-70% sẽ giữ được quả trên cây từ 1,5-2 tháng mà chất lượng, mã quả vẫn đảm bảo, bán được giá cao.
Theo NNVN