Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ thông tin (CNTT) có sự phát triển khá nhanh, trung bình 20%/năm. Bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế thế giới trong 2 năm gần đây, năm 2008, tổng doanh thu ước đạt 5,22 tỷ USD, năm 2009 đạt 6,26 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế tri thức.
Tốc độ phát triển trên 20%
Từ năm 2000 đến trước năm 2007, ngành CNTT tăng khoảng 20%/năm, đến năm 2008, tốc độ tăng trưởng bị chậm lại nhưng tổng doanh thu vẫn đạt ở mức 5,22 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2007. Đến năm 2009, lĩnh vực này vẫn duy trì mức tăng trưởng 20%, đạt khoảng 6,26 tỷ USD. Trong bảng xếp hạng quốc gia phát triển về gia công phầm mềm, Việt Nam là quốc gia tăng hạng nhanh nhất, chỉ trong thời gian ngắn (2007 - 2008) từ vị trí 19 lên vị trí thứ 10.
CNTT phát triển với tốc độ ngày càng cao, công nghiệp phần cứng đạt tốc độ phát triển trung bình từ 20 - 30%; công nghiệp phần mềm và dịch vụ đạt tốc độ phát triển trung bình từ 30 - 40%. Doanh thu công nghiệp sản xuất phần mềm trong 10 năm tăng 19 lần, mức tăng trung bình là 35%/năm, mức doanh thu năm 2008 đạt 680 triệu USD, năm 2009 đạt 880 triệu USD. Số người dùng Internet tăng trung bình 40%/năm, hiện đạt 22,5 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 26,2 người dùng internet/100 dân.
Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, ứng dụng CNTT Việt Nam được phát triển rất nhanh, nhất là trong cơ quan nhà nước. Nhiều cơ quan đã tin học hoá gần 100%, số cán bộ công chức sử dụng thư điện tử đạt tỷ lệ cao, nhiều cuộc họp của Chính phủ, Bộ, ngành được tổ chức trực tuyến qua Internet. 100% bệnh viện quốc gia và khoảng 50% bệnh viện tỉnh đã có trang web. CNTT được đẩy mạnh ứng dụng trong GD&ĐT. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã có trang web, đa số các trường THPT và trên 50% trường THCS đã có internet. Kết quả trên cho thấy sự phát triển vượt bậc của CNTT Việt Nam trong giai đoạn 2000-2009.
Ông Houlin Zhao, Phó Tổng thư ký ITU, nhận định về sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam “hiện Việt Nam ở phía trước Indonesia và đang rút ngắn khoảng cách với Philippines về phát triển CNTT. 5 năm trước đây, Việt Nam thua xa các nước trong khu vực về phát triển CNTT nhưng nay, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách và trong một số lĩnh vực như truy cập Internet và sử dụng CNTT, Việt Nam thậm chí còn vượt cả Phillippines. Sự phát triển CNTT-TT (gồm ĐTDĐ, cố định và Internet, băng rộng) ở Việt Nam đã vượt qua nhiều nước châu Á khác.
CNTT đang góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; rút ngắn khoảng cách số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù có sự phát triển nhanh, đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước, nhưng hiện nay, vẫn còn khá nhiều hạn chế của CNTT: Việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và trong thực hiện cải cách hành chính còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Kinh phí xây dựng các khu CNTT-TT, công nghiệp phần mềm và nội dung số còn hạn chế.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cũng là bài toán khó giải của ngành. Theo đó, số lao động trong ngành công nghiệp CNTT hiện nay là hơn 200 ngàn người với doanh thu thấp nhất là 13.500 USD/người/năm (công nghiệp nội dung số) cao nhất là 37.200 USD/người/năm (công nghiệp phần cứng). Theo thống kê, tổng số các trường có ngành liên quan CNTT cả nước là 235 trường/tổng số 390 trường trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng lao động CNTT Việt Nam theo đánh giá của doanh nghiệp là chưa cao, khả năng giao tiếp ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh còn kém, khả năng “mềm” như trình bày, làm việc nhóm, cập nhật công nghệ mới còn yếu, sinh viên mới ra trường thiếu kiến thức thực tế, khả năng tư duy, làm việc độc lập còn kém.
Theo dự báo, nhu cầu nhân lực công nghiệp CNTT đến năm 2020 sẽ tiếp tục tăng qua từng năm và nếu không có biện pháp điều chỉnh mạnh thì sự thiếu hụt nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng tăng và cung không đáp ứng đủ cầu. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT là hơn 600 ngàn người nhưng khả năng đáp ứng chỉ đạt mức khoảng 400 ngàn người. Sự thiếu hụt nhân lực này sẽ là một yếu tố kìm hãm sự phát triển của CNTT nước ta.
Để CNTT tiến mạnh
Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn để phát triển CNTT, chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội để ngành kinh tế CNTT phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Đó cũng là vấn đề đặt ra đối với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong chương trình công tác của Bộ năm 2010 là tập trung cho phát triển nguồn nhân lực CNTT. Chính vì vậy, Bộ đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ sở đào tạo. Mọi ý kiến của các đại biểu đều được Bộ ghi nhận, đưa vào nội dung trình lên cấp trên để xem xét, xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành CNTT đạt hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đưa vào chương trình công tác trọng tâm việc tập trung sản xuất CNTT (phần cứng, phần mềm, nội dung số), triển khai thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT sau khi được chính phủ phê duyệt; Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên và cán bộ CNTT có trình độ cao; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Thông tin và truyền thông quốc gia, sớm trình Chính phủ nhiều đề án, sửa đổi , bổ sung các chính sách, nghị định, quy phạm pháp luật nhànm hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế-xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (“Chiến lược Cất cánh”) thể hiện tinh thần chủ động chuẩn bị tích cực và ý chí mạnh mẽ của toàn ngành quyết tâm đưa Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghệ thông tin và Truyền thông mang lại, góp phần sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức
Theo Báo điện tử ĐCSVN