Trong những năm gần đây,dịch bệnh gia súc,gia cầm ngày càng phát triển phức tạp,ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế,tới môi trường sống và sức khỏe người dân.
Trước tình hình đó,trung tâm công nghệ phần mềm Thủy lợi(Viện khoa học Thủy Lợi Việt Nam) đã nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả Công nghệ thông tin địa lý(GIS) vào việc giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm,dịch lở mồm,long móng gia súc ở một số tỉnh,thành phố.
Thực tế cho thấy, khi xảy ra dịch bệnh, các cơ quan chức năng ở địa phương luôn trong tình trạng thiếu thông tin cần thiết cho việc đánh giá tình hình hiện trạng dịch bệnh tại địa bàn để có biện pháp phòng, chống kịp thời. Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi Nguyễn Ðăng Vỹ, Chủ nhiệm đề tài "Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý vào việc giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc" cho biết: Xuất phát từ nhu cầu bức thiết thông tin của các cấp chính quyền và người dân về dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng, trung tâm đã nghiên cứu thành công phần mềm GIS. Ðây là phần mềm có đầy đủ chức năng, đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin về chăn nuôi và diễn biến dịch bệnh để kịp thời khoanh vùng ngăn chặn không cho dịch bùng phát sang địa phương khác. Phần mềm GIS dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng là cơ sở ban đầu để phát triển, tích hợp thêm dần các lớp bản đồ, các bảng dữ liệu, các phần mềm theo dõi tình hình và dự báo xu hướng lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm khác, như: tụ huyết trùng, dịch đóng dấu, dịch tai xanh... Trước đây, khi dịch bệnh xảy ra và chưa có phần mềm GIS, cán bộ thú y phải sử dụng bản đồ giấy và phương pháp tô màu cũ để thể hiện, cho nên dẫn đến việc chậm chạp khi ra quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Từ năm 2008 - 2009, tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã triển khai, ứng dụng phần mềm GIS. Phần mềm GIS có thể giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan của dịch bệnh dễ dàng và nhanh chóng thông qua cách xây dựng theo mô hình "khách - chủ". Phần "chủ" bao gồm cơ sở dữ liệu bản đồ và dữ liệu thuộc tính trên máy "chủ". Phần "khách" là công cụ của người dùng để đăng nhập vào hệ thống máy "chủ" cập nhật thông tin. Trong trường hợp máy "chủ" không có địa chỉ trên in-tơ-nét, phần mềm "khách" có thể kết nối tới máy "chủ" thông qua đường điện thoại công cộng hoặc sử dụng công nghệ mạng riêng ảo VPN. Nhờ mô hình vận hành linh hoạt, mềm dẻo, các địa phương ở tỉnh Quảng Ninh có thể triển khai ứng dụng hệ thống trong mọi điều kiện khác nhau. Số liệu, thông tin được tổ chức cập nhật theo lãnh thổ, thuận lợi cho công tác quản lý. Một trong những tính ưu việt là khả năng xây dựng bản đồ hiện trạng chăn nuôi, hiện trạng tiêm phòng và bản đồ hiện trạng dịch bệnh. Người dùng có thể lựa chọn các tiêu chí khác nhau theo yêu cầu của mình để xây dựng bản đồ và khoanh vùng những nơi có dịch. Kinh phí để triển khai ứng dụng phần mềm GIS được tính toán dựa trên diện tích của từng tỉnh, thành phố và quy mô, số lượng nuôi gia cầm, gia súc của địa phương thông qua các cuộc điều tra định kỳ. Theo thống kê của trung tâm, sau khi tỉnh Quảng Ninh ứng dụng và đi vào hoạt động hiệu quả từ năm 2008 đến nay, kinh phí bỏ ra chỉ gần một tỷ đồng. Hiệu quả việc ứng dụng phần mềm nói trên là các cấp quản lý đã làm tốt công tác giám sát, dự phòng dịch bệnh. Nhờ cách quản lý khoa học và thường xuyên điều tra cập nhật thông tin lên hệ thống máy "chủ", khi một xã hay một huyện có dấu hiệu dịch bệnh, trong vòng vài phút sử dụng hệ thống máy tính, bản đồ sẽ báo đỏ nếu có dịch trên máy "chủ" và các máy "khách".
Lý giải nguyên nhân vì sao tỉnh Quảng Ninh ứng dụng và hoạt động hiệu quả phần mềm GIS, ông Nguyễn Ðăng Vỹ cho biết: Thứ nhất, được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, huyện. Thứ hai, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Trạm thú y và Phòng nông nghiệp huyện thường xuyên làm tốt công tác điều tra tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc và dịch bệnh trên địa bàn, cập nhật lên hệ thống máy tính. Thứ ba, trong quá trình triển khai, ứng dụng phần mềm, trung tâm thường xuyên hướng dẫn kinh nghiệm cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Ðể làm tốt công tác giám sát, dự báo dịch bệnh, cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể về việc cập nhật số liệu chăn nuôi, dịch bệnh cũng như yếu tố liên quan đến lây nhiễm. Các cá nhân chịu trách nhiệm cập nhật thông tin vào hệ thống phải tự giác và khách quan khi thông tin. Có như vậy kết quả tổng hợp thông tin, xây dựng bản đồ hiện trạng, bản đồ dịch tễ và kết quả dự báo mới có ý nghĩa thực tế, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Báo Nhandan Online