Khoảng 95 triệu năm trước, khi sa mạc Sahara vẫn là một miền đất xanh tươi, đã có ít nhất là một loài thằn lằn từng bay lượn tại khu vực này.
Theo phân loại của các nhà khảo cổ học thì loài thằn lằn bay đã tuyệt chủng đó chưa từng được ghi nhận trước đây. Thành quả khảo cổ học này được phát hiện bởi nhóm các nhà khoa học từ Đại học Dublin, Portsmouth và Hassan II. Ba mẫu hóa thạch của loài thằn lằn cổ xưa được tìm thấy trong tình trạng bảo tồn khá tốt, được xác nhận là rất khác với những mẫu hóa thạch từng tìm thấy trước đây khi xem xét nguyên bản của chúng trong không gian 3D.
Báo Daily Mail dẫn lời tiến sĩ David Martill (chuyên ngành cổ sinh học thuộc Đại học Portsmouth) rằng đây là lần đầu tiên tìm thấy dấu vết của thằn lằn bay tại châu Phi. Chúng có mối quan hệ với thằn lằn bay khổng lồ Quetzalcoatlus - loài thú biết bay có kích cỡ lớn nhất thế giới.
Lãnh đạo nhóm khảo cổ Nizar Ibrahim cho biết sự khác thường của loài thằn lằn bay mới tìm thấy là chúng không có răng nhưng sở hữu một cái mỏ rất lớn, mạnh mẽ và có sải cánh dài đến 6 mét. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài thằn lằn bay mới phát hiện là Alanga Saharica, trong đó “Saharica” gọi theo tên sa mạc Sahara, còn “Alanga” dựa theo từ Ả Rập “Al Anqua” có nghĩa là phượng hoàng - loài chim huyền thoại có thể tái sinh từ đống tro tàn.
Một cuộc khảo sát tương tự ở gần khu vực này cũng cho thấy dấu vết của những con cá sấu khổng lồ, từng tung hoành trên khu vực Sahara hàng trăm triệu năm trước.
Theo TNOnline