Cập nhật: 22/07/2010 15:55:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Biến đổi khí hậu (BÐKH) là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Nó tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, nhất là đến sản xuất, đời sống và môi trường.

Theo tính toán, nước biển dâng, mưa bất thường sẽ gây tình trạng ngập lụt cục bộ, xâm lấn mặn, giảm hai triệu ha trong tổng số bốn triệu ha đất trồng lúa, thiệt hại trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của cả nước.

 

Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi điều kiện sản xuất như thiếu nước, thừa nước, tăng nhiệt độ. Những hiện tượng này làm cho đất bị phèn hóa, suy thoái, xói mòn, rửa trôi. Ða dạng sinh học nông nghiệp, cân bằng sinh thái bị thay đổi, kèm theo đó là dịch bệnh phát triển như bệnh vàng lùn, rầy nâu, lùn xoắn lá...

 

Nếu BÐKH xảy ra theo đúng kịch bản này, Việt Nam sẽ phải đối mặt khủng hoảng lương thực vào cuối thế kỷ 21, đầu thế kỷ 22. Thay đổi điều kiện thời tiết khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ cấu mùa vụ, khả năng tích lũy quang hợp và vì thế làm gia tăng chi phí đầu tư.

 

Tới thời điểm này, với điều kiện thay đổi, nông dân và các địa phương đã tự tìm ra những giải pháp thích ứng. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), mô hình lúa tôm đã phát huy hiệu quả và cho thu nhập cao. Người dân đã chuyển từ hai vụ lúa bấp bênh sang một vụ lúa chính và một vụ tôm. Diện tích nuôi tôm tăng từ 45 nghìn ha năm 2003 lên 120 nghìn ha năm 2008. Mỗi vụ nuôi tôm nông dân thu nhập tăng thêm khoảng 27,5 triệu đồng. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng thu nhập từ vụ lúa tôm đã tăng thêm 3,300 tỷ đồng.

 

Nhiều địa phương cũng tính toán việc dịch chuyển từ cây có nhu cầu nước cao sang những cây trồng có khả năng chịu hạn. Việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ có thể làm tăng thu nhập cho nông dân tới 8,5 lần. Dưa hấu, lúa mùa thay bằng lúa chiêm ở các tỉnh miền núi phía bắc cũng đưa thu nhập của nông dân tăng 3,6 lần so với trước đây.

 

Việc thay đổi thói quen và tập quán canh tác của các địa phương dựa vào đặc điểm tự nhiên, mức độ ảnh hưởng và lợi thế của từng vùng để có các giải pháp thích ứng cụ thể. Tuy nhiên, những giải pháp này phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của vùng được tính toán theo lộ trình.

 

Bên cạnh việc tiến hành các đánh giá toàn diện, dự báo đầy đủ những nguy cơ của BÐKH, việc nghiên cứu và lựa chọn các công nghệ phù hợp là vô cùng quan trọng. Những nghiên cứu này đặc biệt chú trọng đến việc tìm ra các giống lúa mới, các cơ sở phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao; gắn công nghệ sinh học với bảo tồn và phát triển giống gien; Phát triển sản xuất sạch, sạch hơn với tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải nhà kính; Phát triển công nghệ,  tiến bộ kỹ thuật, khoa học mới với các hoạt động thích ứng với BÐKH và giảm phát thải khí nhà kính; chọn tạo, phát triển và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi các biện pháp thâm canh thích ứng với BÐKH.

 

Bên cạnh đó, tính toán các chính sách lồng ghép BÐKH trong nông nghiệp, coi BÐKH là điều kiện, cơ sở để lựa chọn các kế hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm