VNREDSat - 1, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam phục vụ giám sát, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, theo Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (Viện KHCNVN), khoảng 3 năm nữa sẽ hoàn thành.
Đi sau
Trong khuôn khổ Dự án "Vệ tinh nhỏ Việt Nam giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1)", đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn Pháp là nhà cung cấp công nghệ và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện dự án này.
Thủ tướng giao Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện Dự án nhằm phục vụ Chiến lược Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020. Theo tiến độ, đến năm 2012, vệ tinh thứ hai của Việt Nam mang tên VNREDSat-1 sẽ được phóng.
Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam là VINASAT1 lên quỹ đạo hồi tháng 4-2008, với sự hợp tác của hãng chế tạo máy bay Hoa Kỳ, Lockheed Martin.
Dự án VNREDSat-1 được khởi động cách đây 6 năm. Nếu phóng thành công VNREDSat-1, Việt Nam sẽ chính thức có vệ tinh quan sát Trái Đất. Do môi trường vũ trụ khắc nghiệt, tuổi thọ trung bình của vệ tinh chỉ khoảng 5 năm.
Chính vì thế, cộng với tiến bộ kỹ thuật vệ tinh phát triển liên tục, việc đưa vệ tinh vào hoạt động càng sớm càng có lợi cả về công nghệ lẫn tài chính, vì nguồn vốn chủ yếu cho dự án là vốn vay của Pháp.
Để nghiên cứu và chế tạo thành công một vệ tinh viễn thám như VNREDSat - 1, Việt Nam phải đầu tư hơn 60 triệu euro, từ việc đào tạo nhân lực, trang thiết bị chế tạo, cơ chế phóng vệ tinh, quan sát, đến điều khiển và xử lý số liệu ghi nhận được.
Tuy nhiên, "Vốn đầu tư nhà nước cho nghiên cứu hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chuyên môn cao ít ỏi đang là trở ngại lớn", PGS.TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện KHCNVN, quan ngại.
Hơn nữa, tiến độ phóng vệ tinh có thể không được như dự kiến. Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Doãn Minh Chung nói: "Khoảng 3 năm nữa sẽ hoàn thành. Năm 2013, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo".
Có nghĩa là sẽ chậm một năm so với dự kiến. Ngay cả khi hoàn thành đúng tiến độ dự án, PGS Chung cũng thừa nhận "So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước đi sau về phát triển công nghệ vệ tinh. Cách đây khoảng 3 năm, Thái Lan đã hợp tác với Pháp, thực hiện thành công vệ tinh viễn thám mang tên Theos".
Tiết kiệm
Thông thường, một ảnh vệ tinh được các cơ quan Việt Nam mua về với giá 2.000 - 5.000 USD/ảnh và mất ít nhất một đến hai tháng mới nhận được. Những thông tin và số liệu như bão lũ, cháy rừng, tràn dầu, thường không được cập nhật nhanh chóng và thường xuyên. Cho nên, các bức ảnh đó chỉ có thể dùng để phân tích và nghiên cứu trong bối cảnh không trùng với thời gian thực.
PGS.TS Doãn Minh Chung cho biết, đến thời điểm này, để phân tích và quản lý dữ liệu về Trái Đất nói chung và tài nguyên thiên nhiên Việt Nam nói riêng, cơ quan ông vẫn phải đặt mua ảnh của các vệ tinh nước ngoài với giá khá cao.
Một quan chức ở Vụ KHCN các Ngành Kinh tế Kỹ thuật, Bộ KH&CN, tính toán, kinh phí để mua ảnh viễn thám của các ngành kinh tế ở nước ta hằng năm cần tới hàng triệu USD. Do không có một đầu mối thống nhất nên mạnh ai nấy mua. Thậm chí cơ quan này có rồi nhưng cơ quan khác không biết, vẫn đi mua nên việc khai thác sử dụng không hiệu quả.
Nhiều người kỳ vọng, khi phóng được vệ tinh viễn thám và có trạm thu ảnh viễn thám, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền phải bỏ ra hằng năm.
VNREDSat - 1 nặng khoảng 140 kg, có thể quan sát trái đất ở độ cao 800 km, có khả năng chụp ảnh với độ phân giải cao. Lợi thế của vệ tinh viễn thám là có thể chụp ảnh tại các thời điểm và vị trí theo ý muốn. Vệ tinh có những đầu thu như camera để chụp ảnh mặt đất từ trên cao. Theo quỹ đạo bay, cứ trung bình ba ngày, vệ tinh có thể chụp được một ảnh của một vùng để gửi về Trái Đất
Theo Tiền Phong Online