Cập nhật: 09/08/2010 15:57:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công nghệ vũ trụ được coi là biểu tượng sức mạnh và khả năng cạnh tranh công nghệ của mỗi quốc gia. Nó là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau, nhằm chế tạo, điều khiển và khai thác ứng dụng các phương tiện như vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất..., góp phần cảnh báo sớm thảm họa thiên tai, theo dõi các sự kiện lớn của thế giới qua hệ thống phát thanh, truyền hình, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường...

Những năm gần đây, Việt Nam mới bắt đầu ứng dụng công nghệ vũ trụ trong các ngành thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ ở nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ vũ trụ, còn phụ thuộc vào bên ngoài. Việt Nam vẫn phải mua ảnh viễn thám của nước ngoài với giá thành cao và không phải lúc nào ảnh cũng đáp ứng đúng nhu cầu về mặt chất lượng và thời gian.

 

Nguyên nhân là do công nghệ vũ trụ của ta còn đầu tư một cách nhỏ lẻ, chưa có trọng tâm nên hiệu quả không cao, chưa tạo được bước đột phá. Nhân lực trong ngành công nghệ vũ trụ còn yếu và thiếu. Hiện Viện Công nghệ vũ trụ mới chỉ có gần 60 cán bộ nghiên cứu, trong đó có hai phó giáo sư, tám tiến sĩ. Việt Nam chưa có nhiều sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành công nghệ vũ trụ. Do vậy, nhân lực của ngành này chủ yếu đến từ Trường đại học Bách khoa, Ðại học Khoa học tự nhiên, Ðại học Công nghệ với các chuyên ngành Cơ điện tử, Ðiều khiển tự động, Ðiện tử viễn thông... hoặc từ nước ngoài.

 

Ngày 14-6-2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" nhằm xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Quan điểm chỉ đạo bao trùm của chiến lược này là phục vụ thiết thực và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã  hội, quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và thiên tai cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, theo phương châm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; góp phần nâng cao vị thế quốc tế, tiềm lực khoa học - công nghệ và sức mạnh của đất nước.

 

Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự hỗ trợ của Nhật Bản thiết kế, xây dựng. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội  bền vững thông qua giảm thiểu thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường.

 

Trưởng ban quản lý dự án PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết: "Dự án hình thành từ một ý tưởng đầu tư đồng bộ cả ba điểm: hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo đội ngũ nhân lực". Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, hoàn thành phóng lên quỹ đạo hai vệ tinh nhỏ quan sát trái đất có độ phân giải cao, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện bằng công nghệ ra-đa hiện đại, thu nhận và xử lý dữ liệu vệ tinh phục vụ cảnh báo sạt lở đất, tràn dầu, cháy rừng, cập nhật bản đồ điện tử để quy hoạch đất, dự báo sản lượng nông nghiệp. 350 chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, quản lý được đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực của ngành công nghệ vũ trụ.

 

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm