Hiện tại, Thiên Cung 1 đã hoàn thành giai đoạn lắp ráp và đang được tiến hành thử nghiệm tổng hợp các tính năng về điện, nhiệt và cơ. Sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, Thiên Cung 1 sẽ được đưa lên quỹ đạo đã định trước vào năm 2011.
Công đoạn tiếp theo sau khi Thiên Cung 1 đươc phóng lên quỹ đạo trong năm 2011: Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng tàu vũ trụ Thần Châu 8 và thực hiện ghép nối với Thiên Cung 1. Đây là hoạt động ghép nối các thiết bị không người lái trên vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc.
Để chuẩn bị công đoạn trên, hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành lắp ráp tàu Thần Châu 8 và thử nghiệm loại tên lửa đẩy Trường Chinh 2 F đã được cải tiến. Chuẩn bị cho cuộc ghép nối đầu tiên này, còn có việc huấn luyện thế hệ phi hành gia thứ 2 của Trung Quốc, bao gồm 2 phụ nữ. Trung Quốc sẽ lựa chọn 2 phi hành gia nữ này trong số những nữ phi công khóa thứ 7 của họ.
Tân Hoa Xã cho biết, các thiết bị chuẩn bị cho các thực nghiệm khoa học cũng như hệ thống hỗ trợ mặt đất cũng đều đã hoàn tất.
Trung Quốc cho biết, Thiên Cung 1 có trọng lượng 8 tấn và sẽ ở trên quỹ đạo khoảng 2 năm với vai trò một trạm thực nghiệm không gian nhỏ. Trong vòng 2 năm sau khi phóng Thiên Cung 1, Trung Quốc sẽ lần lượt phóng các tàu Thần Châu 8, Thần Châu 9 và Thần Châu 10 lần lượt ghép nối với Thiên Cung 1. Sau khi tàu vũ trụ Thần Châu 10 hoàn thành việc ghép nối với Thiên Cung 1, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng trạm không gian riêng của họ.
Trung Quốc cho biết, trạm không gian riêng của họ sẽ có sức chứa 3 phi hành gia, bao gồm 2 phi hành gia nữ.
Theo VietNamNet