Cập nhật: 09/09/2010 16:36:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nền kinh tế phát triển bền vững là kinh tế tăng trưởng đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). BVMT hiện nay là một trong những mục tiêu chính nằm trong chiến lược phát triển quốc gia. Kinh tế quốc gia muốn phát triển phải có một hệ thống doanh nghiệp mạnh và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là BVMT.

Bảo vệ môi trường không phải là đi ngược lại với lợi nhuận doanh nghiệp. Tăng chi phí cho BVMT nhưng bù lại doanh nghiệp có cơ hội bán được số lượng hàng hóa lớn hơn. Người tiêu dùng trong xã hội văn minh không chỉ muốn có hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, điều kiện giao hàng thuận lợi... mà hàng hóa đó còn phải thân thiện với môi trường. Ngược lại, hàng hóa của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ bị tẩy chay. Ở các nước phát triển, nơi mà người tiêu dùng có ý thức cao trong việc BVMT, các doanh nghiệp có ý thức BVMT thường giành được cảm tình của khách hàng. Sản phẩm của các công ty đạt chứng nhận môi trường ISO:14.000 được khách hàng ưa thích và lựa chọn, mặc dù những sản phẩm đó có thể có giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại. Ðón bắt quy luật phát triển tất yếu của xã hội, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không thể không quan tâm đến tâm lý này của người tiêu dùng.

 

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi hàng rào về thuế quan ngày càng giảm xuống theo tiến trình cam kết tự do thương mại giữa các nước thì các hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng với những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Hàng rào kỹ thuật với rất nhiều quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, đo lường, an toàn lao động, bao bì, đóng gói; tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, về BVMT sinh thái... nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng người tiêu dùng. Khách hàng sẽ ngày càng chú ý đến mức độ sạch của sản phẩm, trong đó có sạch về môi trường. Việc BVMT sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà xao lãng, quay lưng hoặc phá hủy môi trường, các doanh nghiệp sẽ tự đào thải trên con đường phát triển hội nhập của đất nước.

 

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến BVMT đã phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với lợi thế về vốn, khoa học - công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường được các bộ, ban, ngành của Việt Nam cũng như xã hội công nhận... Một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và trong nước, xây dựng được một thương hiệu "sản phẩm xanh".  Sau khi thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, sản phẩm của các công ty không những chiếm lĩnh thị phần trong nước mà còn tăng nhanh về khối lượng xuất khẩu, được bạn hàng quốc tế đánh giá cao, đồng thời đem lại niềm tin cho xã hội và cộng đồng dân cư.

 

Nhiều doanh nghiệp xử lý triệt để chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, nghiên cứu cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường. Giải thưởng "Doanh nghiệp xanh" đã được trao tặng cho 11 doanh nghiệp năm 2006, 15 doanh nghiệp năm 2008. Giải thưởng này sẽ làm cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế yên tâm khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Uy tín của doanh nghiệp từ đó được nâng cao. Các doanh nghiệp này đã giải quyết rất tốt bài toán: vừa BVMT, vừa tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

BVMT trong hoạt động của các doanh nghiệp còn là một chặng đường dài, nhiều gian khổ. Trong xu thế hội nhập, đặc biệt nước ta đã là thành viên WTO, áp lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường ngày càng quyết liệt đã đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều thách thức có ý nghĩa sống còn. Trước xu thế hội nhập mạnh mẽ đó, những doanh nghiệp "xanh", với những sản phẩm "xanh" sẽ là những doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường. Ðiều đó khẳng định, BVMT là con đường bảo đảm sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày nay.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm