Một hội thảo với chủ đề “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số” vừa được Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại Hà Nội nhằm hướng dẫn các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức triển khai hệ thống chứng thực điện tử.
Tại hội thảo, các diễn giả thảo luận xung quanh các nội dung về hiện trạng triển khai chữ ký số tại Việt Nam nói chung và trong các cơ quan Đảng và Nhà nước nói riêng, đánh giá thuận lợi và khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác ứng dụng và triển khai chữ ký số; thúc đẩy mạnh việc ứng dụng và triển khai chữ ký số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức về vai trò của chữ ký số trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước; phổ biến thông tin về hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, quy trình cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc ứng dụng và triển khai chữ ký số…
Theo các diễn giả, việc ứng dụng chữ ký số đem lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như: Tiết kiệm thời gian luân chuyển, chi phí giấy tờ trong hoạt động quản lý công văn, thư điện tử, góp phần đẩy nhanh các giao dịch điện tử đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn khá “khiêm tốn”. Trong khối các cơ quan Bộ, ngành, mới có một số Bộ tỏ ra “mặn mà” với chữ ký số. Điển hình, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đã triển khai tốt ứng dụng chữ ký số trong 2 mảng nộp tờ kê khai thuế và tờ khai hải quan. Còn rất nhiều Bộ, ngành khác vẫn chưa thực sự quan tâm tới ứng dụng này. Nguyên nhân là nhu cầu chưa nhiều, còn phức tạp và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vẫn thiếu cơ sở pháp lý về việc sử dụng chữ ký số./.
Trang tin điện tử Báo Đối ngoại Vietnam