Các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát triển thành công mẫu gan thu nhỏ của con người trong phòng thí nghiệm. Đây là một bước phát triển rất quan trọng đối với việc sinh sản nhân tạo các cơ quan nội tạng con người.
Trước đây, với kỹ thuật sinh học tương tự, các nhà khoa học đã từng thành công trong việc phát triển tế bào gan loài chuột. Các nghiên cứu mới làm tăng triển vọng cấy ghép gan cho các bệnh nhân, hoặc để kiểm tra sự an toàn đối với các loại thuốc trong quá trình thử nghiệm. Giáo sư Mark Thursz, chuyên gia về gan tại Bệnh viện St Mary (London) và là phát ngôn viên của tổ chức nghiên cứu bệnh gan nước Anh cho biết : “Đây là bước đột phá lớn đem lại hy vọng cho bệnh nhân viêm gan C”.
Một nhóm các nhà khoa học người Mỹ đã tạo ra cơ quan nội tạng này bằng cách cấy mầm tế bào người lên chất collagen có nguồn gốc từ gan động vật. Chất collagen này thu được sau khi dùng hoạt chất loại bỏ tất cả các tế bào động vật, tạo ra cấu trúc và hình dạng của gan. Các tế bào gốc này sau đó được thay thế bằng các tế bào gan chưa trưởng thành của người và các tế bào nội mô có liên quan đến thành mạch máu.
Sau một tuần được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng và oxy trong “lò phản ứng sinh học” tại phòng thí nghiệm, gan nhân tạo được xem là đã tăng trưởng và hoạt động như một cơ quan nội tạng của con người. Sản phẩm thu được sẽ cấy ghép vào cơ thể loài vật để thử nghiệm chức năng sống. Sau đó sẽ thử nghiệm trên người.
Giám đốc dự án, giáo sư Shay Soker từ Viện Y học tái sinh Wake Forest, Bắc Carolina cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng với kết quả nghiên cứu này. Nhưng cần nhớ rằng chúng ta chỉ mới đang ở trong giai đoạn đầu, còn nhiều rào cản kỹ thuật cần phải vượt qua. Không chỉ phải hiểu cơ chế tăng trưởng hàng tỉ tế bào gan, số lượng đủ lớn để phục vụ bệnh nhân mà còn phải xem xét đến yếu tố an toàn trong ứng dụng điều trị”.
Đầu năm nay, các nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts cũng đã báo cáo về cách sử dụng kỹ thuật tương tự để cấy ghép thành công gan nhân tạo cho loài chuột, chúng đã có thể sống được trong vòng vài giờ. Báo Daily Mail dẫn lời các nhà khoa học kỳ vọng rằng trong vòng 5 năm tới, kỹ thuật gan nhân tạo này sẽ đi từ phòng thí nghiệm đến ứng dụng lâm sàng trong bệnh viện.
Các nhà khoa học cũng hy vọng, trong tương lai tế bào gốc được các bệnh nhân hiến tặng được phát triển để thay thế cho gan sẽ không bị hệ miễn dịch đào thải. Cách tiếp cận tương tự đối với công nghệ sinh học này cũng giúp các nhà khoa học phát triển các cơ quan nội tạng khác như tụy, thận…
Các bệnh về gan là nguyên nhân gây chết người còn lớn hơn bệnh tiểu đường hoặc tai nạn giao thông ở nước Anh. Con số thống kê cho thấy năm 2008 có hơn 16.000 bệnh nhân Anh chết vì bệnh gan. 5 năm qua, số bệnh nhân gan đã không ngừng tăng với tỷ lệ đến 12%. Nhu cầu cấy ghép gan rất cao nhưng khả năng đáp ứng thì quá thấp.
Theo Thanh Nien Online