Cập nhật: 13/12/2010 16:32:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Nhà nước đối với doanh nghiệp luôn được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu; thực tại các doanh nghiệp cũng chưa thật sự chú trọng đầu tư phát triển công nghệ nên việc tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay còn yếu.

 

 Vì vậy, việc đánh giá đúng thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm đưa kỹ thuật công nghệ ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng.

90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu thấp

 

Doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận kinh tế quan trọng nhất của đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp của khối doanh nghiệp tới 60% vào GDP và ngày càng đóng góp tỷ trọng cao hơn. Tính đến cuối năm 2010, số doanh nghiệp hoạt động khoảng 350.000 doanh nghiệp, so với năm 2000 gấp 6,6 lần; Nguồn vốn khoảng 11.397.706 nghìn tỷ đồng, gấp 10,4 lần năm 2000; giá trị tài sản đạt 4.983.171 nghìn tỷ đồng, gấp 10,4 lần năm 2000; doanh thu thuần năm của doanh nghiệp khoảng 8.923.780 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2000.

 

Mặc dù những con số trên cho thấy doanh nghiệp có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Nhưng trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu thấp chủ yếu do trình độ khoa học công nghệ quá lạc hậu và không được đầu tư thích đáng. Các ngành công nghệ cao hầu như rất nhỏ bé, chủ yếu là các ngành có hàm lượng chất xám thấp, ít hiệu quả, sử dụng nhiều lao động… Các doanh nghiệp có trình độ quản lý, công nghệ sản xuất kinh doanh tương đối cao là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Tuy nhiên những doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng đầu vào nhập ngoại như linh kiện, phụ tùng… để lắp ráp chứ không sản xuất sản phẩm thành phẩm ngay ở Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam khó học hỏi hoặc nhận được chuyển giao công nghệ. Ví dụ, trong lĩnh vực dược và sản xuất trang thiết bị y tế, các doanh nghiệp nước ngoài hầu như sản xuất thuốc thành phẩm tại nước bản địa, nhập linh kiện thiết bị y tế vào Việt Nam sau đó mang về Việt Nam đóng gói, hoàn thiện sản phẩm.

 

Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy cho biết, nguyên nhân việc chưa phát triển ứng dụng công nghệ ở các doanh nghiệp là do công tác thống kê về ứng dụng và phát triển công nghệ ở Việt Nam mới được bắt đầu. Chính phủ và các bộ ngành chưa đầu tư và quan tâm đúng mức tới phát triển khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ bé, chưa có thói quen, quan niệm đầu tư phát triển công nghệ để phát triển bền vững lâu dài. Chi phí đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho nghiên cứu khoa học, đầu tư phát triển công nghệ là rất thấp, thường nhập những thiết bị đã cũ, qua sử dụng, lạc hậu từ nước ngoài về, thậm chí có doanh nghiệp còn không đầu tư. Trong khi đó, nhiều viện nghiên cứu của Việt Nam đã chế tạo thành công các thiết bị công nghệ nhưng còn nắm đắp chiếu.

 

Cần sự liên kết chặt chẽ

 

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động Hóa (VIELINA), Bộ Công thương Trần Thanh Thủy chia sẻ, các sản phẩm nghiên cứu muốn đưa được vào thực tế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sử dụng và người thiết kế. Người sử dụng phải tham gia từ đầu đến cuối vào quá trình thiết kế và các nhà khoa học phải có quyết tâm theo đến cùng sản phẩm của mình. Sự gắn kết này nhiều khi còn để cùng vượt qua “cơ chế” và hạn chế được tâm lý sính ngoại.

 

Ông Thủy cũng cho biết thêm, VIELINA là đơn vị đầu ngành nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, tin học, tự động hóa. Các sản phẩm của Viện như hệ thống quan trắc và xử lý môi trường nước, hệ thống tự động hóa các dây chuyền sản xuất, các sản phẩm công nghệ thông tin… đã bước đầu chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ việc Viện nghiên cứu thị trường và nghiên cứu các doanh nghiệp đang cần gì, tránh việc nghiên cứu ra sản phẩm sau đó lại để đắp chiếu.

 

Công ty CP sản xuất và chuyển giao công nghệ Việt Nam TBI.,JSC là đơn vị cung cấp các sản phẩm cơ khí đúc, chuyển giao công nghệ và cung cấp các loại máy cho ngành đúc như: vật tư phụ tùng thay thế cho các loại máy thi công công trình, các phụ tùng trong các dây chuyền sản xuất gạch, than, xi măng và thiết kế chế tạo các máy phục vụ trong ngành xây dựng, khai thác… là đối tác của nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí sản phẩm của Công ty còn xuất sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… giá thành lại rẻ hơn từ 20-30%. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong nước vẫn tâm lý sính ngoại, nhập từ nước ngoài những sản phẩm như trên đã dẫn đến sự gắn kết giữa cơ quan chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

 

Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, con đường duy nhất để phát triển doanh nghiệp Việt Nam là đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ mới đủ sức cạnh tranh ngay trong nước và quốc tế trong xu thế hội nhập hiện nay. heo đó, Bộ Khoa học- Công nghệ cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách, thống kê điều tra nhằm thu thập đầy đủ về ứng dụng và phát triển công nghệ ở trong các doanh nghiệp. Đối với các Viện nghiên cứu, Nhà nước nên đầu tư có chọn lọc, trọng điểm nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu được chuyển hóa thành thương phẩm. Bên cạnh đó, để chuyển giao nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào thực tiễn cần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các loại hình chợ công nghệ. Cần tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao và thực hiện các dự án sản xuất thí nghiệm.

 

 

Theo Báo điện tử Đại biểu ND

Tệp đính kèm