Cập nhật: 27/12/2010 16:23:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhận thấy nhu cầu xử lý bụi thép trong quá trình sản xuất thép bằng công nghệ lò hồ quang điện đang là vấn đề quan tâm của doanh nghiệp sản xuất thép.

Mới đây, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Nghiên cứu phát triển nguồn lực tự nhiên (NRD), Công ty Hóa chất, Kim loại và Khoáng sản (CMM) tổ chức Hội thảo Công nghệ Oxindus: Biến chất thải thành sản phẩm có giá trị nhằm giới thiệu công nghệ xử lý và tái chế bụi thép tới doanh nghiệp và xúc tiến chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam.

Công ty CMM và Công ty NRD cùng cộng tác thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực kim loại không liên quan đến sắt như ngành công nghiệp luyện kim hoặc ngành khai thác mỏ, đặc biệt là kim loại kẽm. Trong khuôn khổ hợp tác, CMM đã phát triển công nghệ Oxindus, một công nghệ mang tính môi trường và kinh tế, cho phép giải quyết vấn đề bụi trong lò hồ quang điện (EAFD).

 

Theo đánh giá của Tổng công ty thép Việt Nam, tổng lượng bụi thép sinh ra ở Việt Nam ước khoảng 70.000 tấn vào năm 2010 và sẽ đạt mức 100.000 tấn vào năm 2011. Đây là chất thải dạng bụi có chứa khoảng 40% sắt và các nguyên tố khác được sinh ra trong quá trình luyện thép. Loại bụi thép này được xếp vào loại chất thải độc hại vì có chứa dioxines và nguy cơ thẩm thấu vào môi trường của các kim loại nặng, bị cấm xuất khẩu theo Công ước Basel. Hiện nay, Việt Nam chưa có các các giải pháp cho việc xử lý và tái chế các loại bụi thép và chưa có bất kỳ công nghệ nào liên quan đến việc xử lý này được đưa vào sử dụng.

 

Năm 2009, tổng lượng thép tiêu thụ ở Việt Nam đạt mức 11,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2008. Việt Nam đã sản xuất ra 6,9 triệu tấn thép thành phẩm vào năm 2009 và 2,7 triệu tấn phôi thép, tăng 19% so với năm 2008. Trong số đó có gần 3 triệu tấn, chiếm 30% được sản xuất bằng công nghệ EAFD; có 2% chất thải được sinh ra dưới hình thức bụi, chứa trung bình 40% sắt (tỷ lệ này dao động từ 20 - 50% tùy theo nhà máy thép), dẫn đến lượng hao hụt trung bình hàng năm khoảng 24.000 tấn thép trên toàn bộ các nhà máy thép ở Việt Nam. Với giá bán trung bình mỗi tấn thép khoảng 11 triệu đồng, sự tổn thất sinh ra từ bụi đạt đến 15 triệu USD mỗi năm.

 

Được biết, hiện nay nước ta chưa có các các giải pháp cho việc xử lý và tái chế các loại bụi thép và chưa có bất kỳ công nghệ nào liên quan đến việc xử lý này được đưa vào sử dụng. Trong bối cảnh đó, công nghệ Oxindus - một công nghệ có lợi về mặt môi trường và kinh tế, cho phép nhà máy thép thu hồi một phần sắt hao hụt chứa trong bụi và làm tăng giá trị của tổng lượng bụi còn lại.

 

Giám đốc Dự án Oxindus tại Việt Nam Gautier LEVY cho biết, công nghệ Oxindus cho phép tái chế hoàn toàn bụi thép (bụi thép sinh ra từ lò hồ quang điện) đem lại lợi ích về mặt kinh tế và môi trường với hai quy trình: thứ nhất là quy trình tái chế hoàn toàn bụi thép (quy trình Black Line), triển khai tại nhà máy thép, tập trung ở khâu trộn bụi thép với các chất phụ gia và tái tuần hoàn vào lò hồ quang cho phép thu hồi lượng sắt hao hụt, nâng cao hàm lượng các kim loại có giá trị (kẽm) chứa trong bụi, giảm phát thải các khí độc hại và thu hồi được một loại bụi mới, giàu kẽm và chứa rất ít sắt. Thứ hai, quy trình xử lý tinh (quy trình White Line) xử lý triệt để bụi thu hồi được từ quy trình Black Line, cho phép loại bỏ Chlore và giảm thiểu hàm lượng Fluor, được xử lý tập trung trong một nhà máy có khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng bụi thép từ các nhà máy thép tại Việt Nam.

 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghệ Oxindus là công nghệ hiệu quả, đem lại giải pháp khả thi về môi trường và kinh tế trong sản xuất thép bằng công nghệ lò hồ quang điện. Toàn bộ quy trình không làm phát sinh chất thải độc hại. Sản phẩm thu được là Oxindus - một nguyên liệu phụ cho công nghiệp sản xuất kim loại kẽm.

 

Sự hợp tác giữa Công ty NRD và các nhà máy thép tại Việt Nam được thực hiện bằng việc công ty NRD cung cấp miễn phí và lắp đặt toàn bộ thiết bị cần thiết và đào tạo vận hành quy trình Black Line. Đổi lại, Công ty NRD được độc quyền mua toàn bộ lượng bụi đã qua xử lý (gọi là Raw Oxindus) trong thời gian ít nhất là 5 năm để NRD thực hiện quy trình White Line. Việc bán thành phẩm Oxindus sau toàn bộ quy trình, sẽ mang lại lợi nhuận cho NRD và CMM trong dự án này.

 

Mục tiêu của CMM và NRD là xử lý toàn bộ lượng bụi thép EAFD ở các nhà máy thép tại Việt Nam trong thời gian tới, nhờ vào việc lắp đặt quy trình Black Line trong từng nhà máy thép, và vào việc xây dựng một nhà máy xử lý tại Việt Nam. Giai đoạn đầu, công suất xử lý sẽ là 100.000 tấn/năm với một dây chuyền xử lý duy nhất. Tiếp theo, một dây chuyền xử lý thứ hai với cùng công suất sẽ được lắp đặt, nâng tổng khối lượng bụi thép xử lý lên khoảng 200.000 tấn/năm. Như vậy sẽ cho phép tiêu thụ toàn bộ sản lượng bụi thép tại Việt Nam.

 

Về lâu dài, CMM và NRD sẽ trang bị một nhà máy sản xuất kim loại kẽm tại Việt Nam để không phải xuất khẩu thành phẩm (Oxindus) có thể sử dụng trực tiếp tại Việt Nam cho quy trình sản xuất ra kim loại kẽm, một nguồn nguyên liệu trong công nghệ tráng mạ. Hiện nay, công ty NRD và các đối tác đang tiến hành chuẩn bị hồ sơ để xin giấy phép đầu tư và các giấy phép có liên quan như xử lý chất thải, vận chuyển... Dự kiến, dự án khởi động vào năm 2011, bằng việc xây dựng Nhà máy White Line tại Hải phòng và lắp đặt những quy trình Black Line đầu tiên.

 

 

Theo Báo điện tử Người ĐBND

Tệp đính kèm